• Zalo

Mỹ rút khỏi TPP: Việt Nam thậm chí còn tốt hơn

Kinh tếThứ Ba, 24/01/2017 11:50:00 +07:00Google News

TS Đinh Thế Hiển cho rằng Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam không những không bị ảnh hưởng mà thậm chí còn tốt hơn.

Lệnh hành pháp đầu tiên được Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump ký tại Nhà Trắng đã chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Như vậy, 11 nước còn lại phải đàm phán lại hoặc "khai tử" hiệp định, bởi theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).

Vì vậy, sắc lệnh này của ông Donald Trump được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới TPP, từ đó tác động tới nền kinh tế thế giới. Phóng viên báo điện tử VTC News đã phỏng vấn TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế về việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ tác động thế giới tới kinh tế Việt Nam.

Donald-trump

Ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP

- Ông Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. Động thái này của ông Trump ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế Việt Nam thưa ông?

Tôi cho rằng việc ông Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP chưa ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam vì chúng ta chưa vào TPP. Nếu chúng ta đang ở trong TPP, động thái này của ông Trump mới ảnh hưởng. Mà hiện tại, TPP chưa hề khởi động.

Nếu có thì chỉ là ảnh hưởng về tâm lý mà thôi. Vài năm gần đây, khi nhắc đến TPP, nhiều người hy vọng kinh tế sẽ tăng trưởng và hào hứng với TPP. Nhưng tất cả những kỳ vọng đó chỉ cho tương lai. Còn về nội lực, chúng ta chưa chuẩn bị gì hết.

- Mỹ rút khỏi TPP, chúng ta có bị mất nhiều cơ hội không thưa ông?

Không quan trọng chúng ta có ở trong TPP hay không. Cái chính vẫn là chiến lược phát triển quốc gia về công nghiệp. Công nghiệp mà cụ thể ở đây, vấn đề nhiều người đặt ra nhất chính là sản xuất giá trị gia tăng, chuỗi cung ứng hiệu quả.

TS Đinh Thế Hiển
Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng tới Việt Nam. Thậm chí, xét ở góc độ nào đó, nó còn tốt hơn cho nỗ lực phát triển nội lực

Chúng ta chưa làm được điều này vì chiến lược kinh tế chưa đạt, chứ không phải vì TPP. Trước chúng ta, Đài Loan, Hàn Quốc hay Thái Lan đâu cần TPP mà họ vẫn phát triển tốt. Quan trọng vẫn là chúng ta đang sống trong kinh tế thế giới hội nhập, câu hỏi cần đặt ra là mình có phát triển được nội lực không, nền kinh tế có tổ chức đúng không.

Nội lực tốt, chúng ta sẽ cạnh tranh tốt. Ví dụ, tôm của Việt Nam tốt chúng ta mới xuất khẩu được. Cá ba sa, hàng may mặc của chúng ta tốt mới có người mua. Chúng ta không phát triển chỉ vì có TPP hay không, không phát triển vì ai là tổng Thống Mỹ.

Nếu ai đó nói rằng chính sách của ông Donald Trump là đóng cửa ngoại thương thì tôi cho rằng sai về bản chất.

- Vậy chính sách của ông Trump và ông Obama khác nhau như thế nào và tác động khác nhau như thế nào tới Việt Nam thưa ông?

Nói xa hơn, chính sách giữa ông Trump và ông Obama có nhiều điểm khác nhau cơ bản. Ông Obama sẵn sàng hỗ trợ trước và tìm kiếm cơ hội sinh lời sau. Còn ông Trump thích làm việc với đối tác đang nổi. Chưa biết chắc chính sách nào có lợi hơn cho Việt Nam.

Có thể ví von như thế này, một đứa trẻ đòi bố mẹ cho quyền lợi mới làm. Nhưng một đứa trẻ khác

được bảo phải làm mới có quyền lợi. Đứa trẻ thứ hai sẽ nỗ lực nhiều hơn là đòi hỏi, từ đó nó phát triển nội lực.

Chúng ta cần chuẩn hóa các quy tắc kinh doanh để phát triển cạnh tranh trong nước. Chúng ta cạnh tranh tốt trong nước, đối tác ngoại sẽ sẵn sàng hợp tác. Đừng chờ cho cái gì mới làm. Như vậy, kết quả sẽ không đẹp.

Tôi khẳng định lần nữa, Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng tới Việt Nam. Thậm chí, xét ở góc độ nào đó, nó còn tốt hơn cho nỗ lực phát triển nội lực. Trước đây, nhiều người cứ ca ngại TPP, tôi lại đặt ra câu hỏi cho điều này.

- Ngay khi nhậm chức, ông Donald Trump đã kêu gọi các công ty Mỹ đưa sản xuất về nước để tạo việc làm cho người Mỹ. Điều này có khả thi không? Và nó ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào vì Việt Nam gia công rất nhiều hàng hóa cho các công ty Mỹ?

Hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ có nhiều lĩnh vực sản xuất ở nước ngoài không còn lợi thế. Ví dụ lắp ráp hàng cao cấp. Họ hoàn toàn có cơ hội chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ vì giá nhân công tại Trung Quốc khá cao.

Khi chuyển sản xuất về Mỹ, dù giá nhân công tại Mỹ cao hơn tại Trung Quốc nhưng họ vẫn có lợi thế vì sử dụng robot thay thế lao động.

Tôi xin nhắc lại quốc gia nào cũng cần lợi thế cạnh tranh. Những hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ hoặc hàng hóa Việt Nam gia công cho công ty Mỹ như cá ba sa, may mặc,… đều có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, các công ty Mỹ vẫn cần chúng ta.

Nhưng chúng ta phải xác định không nên quá tập trung vào xuất khẩu, quan trọng nhất vẫn là cạnh tranh. Không cạnh tranh được là thua. Chúng ta cũng đã nhận ra tầm quan trọng của kinh tế nội địa. Nếu năng lực nội địa không mạnh mà cứ hướng xuất khẩu, chúng ta sẽ không vực kinh tế lên được.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn