Đây là cuộc tập trận hàng năm giữa Mỹ và Philippines, sẽ kết thúc vào ngày 14/10. Cuộc tập trận này có quy mô lớn nhất tính đến nay dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Các quan chức quân đội Mỹ và Philippines cho biết có 1.900 lính thủy đánh bộ Mỹ và hơn 600 đối tác chủ yếu là Philippines tham gia. Nội dung tập luyện gồm mô phỏng hoạt động tấn công đổ bộ, cũng như hoạt động quân sự đặc biệt khác.
Cũng theo giới chức quân sự Mỹ và Philippines, các bệ phóng hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) và máy bay chiến đấu siêu thanh của Mỹ sẽ được huy động để tổ chức diễn tập bắn đạn thật.
Khu vực diễn ra cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines lần này là đảo Palawan ở phía Tây và vùng biển phía Bắc Philippines.
Các cuộc diễn tập quân sự ở Philippines được tổ chức đồng thời với cuộc tập trận giữa Mỹ và Nhật Bản vùng biển ngoài khơi đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản với sự tham gia của khoảng 3.000 binh sĩ.
Thiếu tướng Jay Bargeron - thuộc Sư đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ đóng tại Nhật Bản, cho biết hai đợt tập trận song song này được tổ chức nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của liên minh giữa Mỹ với Nhật và Philippines "thông qua hoạt động huấn luyện kết hợp thực tế”.
“Các cuộc tập trận này sẽ giúp lực lượng của chúng tôi tăng cường năng lực tương tác và khả năng sẵn sàng. Từ đó có thể phản ứng nhanh với khủng hoảng trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Bargeron cho biết.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức năm ngoái, Lầu Năm Góc thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, eo biển Đài Loan, thậm chí nhiều lần triển khai tàu chiến đến khu vực này bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh.
Hồi tháng 7, Mỹ tuyên bố đáp trả quân sự nếu Trung Quốc tấn công Philippines. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết bất kỳ "cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ liên quan đến cam kết phòng thủ chung của Mỹ" theo Hiệp ước thủ thủ chung (MDT) năm 1951.
Bình luận