• Zalo

Mỹ: Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông là cuối cùng, ràng buộc pháp lý

Tin tức Biển ĐôngThứ Hai, 22/02/2021 06:51:31 +07:00Google News
(VTC News) -

Chính quyền Tổng thống Biden tái khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016, gọi đó là cuối cùng và ràng buộc pháp lý với tất cả các bên.

Tuyên bố này được khẳng định trong cuộc điện đàm giữa Cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon.

"Các Cố vấn an ninh quốc gia hoan nghênh kỷ niệm 70 năm Hiệp ước phòng thủ chung và thảo luận về các cơ hội để củng cố liên minh Mỹ-Philippines", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne nói trong thông báo về cuộc điện đàm. 

Mỹ: Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông là cuối cùng, ràng buộc pháp lý - 1

Trung Quốc cải tạo trái phép quy mô lớn trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo bà Horne, ông Sullivan tái khẳng định sự công nhận của chính quyền Biden rằng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên. 

Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với những vùng biển nằm trong “đường chính đoạn”, khẳng định nó trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường chín đoạn”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối và từ chối tuân theo phán quyết này, tiếp tục gia tăng các hành vi gây hấn và bồi đắp trái phép các thực thể trên Biển Đông.

Trong những tuần đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Biden phát đi tín hiệu ông sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, trong đó có việc tăng cường các hoạt động hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mới đây nhất, Hải quân Mỹ điều khu trục hạm USS Russell thực thi tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa, thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Hoạt động tự do hàng hải này nêu cao các quyền, sự tự do, và việc sử dụng hợp pháp vùng Biển Đông được công nhận trong luật pháp quốc tế, thông qua việc thách thức các hạn chế bất hợp pháp do Trung Quốc áp đặt đối với quyền đi lại vô hại”, Phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, Joe Keiley nhấn mạnh. 

Song Hy(Nguồn: Phil Star Global)
Bình luận
vtcnews.vn