• Zalo

Mỹ-Nhật quan ngại căng thẳng Biển Đông, phản đối Trung Quốc thay đổi hiện trạng

Thời sự quốc tếThứ Ba, 16/03/2021 20:25:46 +07:00Google News
(VTC News) -

Các bộ trưởng Mỹ, Nhật hôm 15/3 cho biết họ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối Trung Quốc thay đổi hiện trạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi hôm 15/3 cho biết Nhật Bản và Mỹ cùng quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Kishi bình luận sau các cuộc đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết ông đồng ý với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về việc phản đối các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Mỹ-Nhật quan ngại căng thẳng Biển Đông, phản đối Trung Quốc thay đổi hiện trạng - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Mỹ đang thực hiện chuyến thăm lãnh đạo cấp cao ngoại giao và quốc phòng tới Nhật Bản. Cuộc thảo luận của các bộ trưởng hai bên xoay quanh mối quan hệ đồng minh và các vấn đề về Trung Quốc, Triều Tiên.

Trong các cuộc đối thoại 2-2, ông Blinken đã gọi mối quan hệ Mỹ - Nhật là “nền tảng hòa bình, an ninh và thịnh vượng, không chỉ với hai nước, mà với cả khu vực và thế giới”. “Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn Nhật Bản trong chuyến đi cấp quan chức chính phủ đầu tiên của chính quyền Biden-Harris”, ông nói. “Bộ trưởng Austin và tôi ở đây vì một mục đích đơn giản nhưng quan trọng: Tái khẳng định cam kết và xây dựng mối quan hệ đồng minh”.

Trước đó, trong một bài đăng trên tờ Washington Post hôm 15/3, ông Blinken và Austin chỉ trích Trung Quốc cố gắng gây áp lực với những nước khác để đạt được mục tiêu của mình. Họ cam kết sẽ chống lại điều này.

“Trung Quốc… quá sẵn sàng áp đặt người khác để tìm kiếm thành công. Ở đây, một lần nữa, chúng ta thấy làm việc với các đồng minh cần thiết như thế nào. Sức mạnh tổng thể khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn khi cần đẩy lùi sự xâm phạm và mối đe dọa từ Trung Quốc”, hai bộ trưởng viết.

Sau các cuộc đối thoại, 4 bộ trưởng Mỹ - Nhật dự kiến ​​sẽ đưa ra tuyên bố chung chỉ ra việc Trung Quốc ngày càng hành động hung hăng và cưỡng chế trong khu vực, bao gồm ở Biển Đông và Hoa Đông, theo truyền thông.

Họ cũng sẽ đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, từ vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên và khủng hoảng ở Myanmar, đến ứng phó với đại dịch COVID-19 và củng cố liên minh Nhật-Mỹ.

Sau cuộc hội đàm, hai quan chức Mỹ sẽ đến thăm một đồng minh khác trong khu vực là Hàn Quốc.

Bắc Kinh tăng cường các hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Sensaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Các đảo nhỏ này có vị trí chiến lược nhưng không có người ở, nằm trong vùng biển giàu nguồn đánh cá và mỏ khí đốt.

Mặc dù Nhật Bản đang tìm cách cân bằng những lo ngại về an ninh và mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, nhưng ngày càng có nhiều mong muốn ở Tokyo về phản ứng mạnh mẽ đối với các hoạt động của Trung Quốc. Điều gây bức xúc hơn cho Nhật Bản là việc Trung Quốc thực hiện luật mới cho phép lực lượng hải cảnh bắn các tàu nước ngoài mà nước này tuyên bố là đã đi vào vùng biển của mình một cách bất hợp pháp.

Chính phủ Nhật Bản đặt câu hỏi về tính hợp pháp của luật, trong khi Mỹ cũng chỉ trích điều luật Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho rằng việc tiếp tục triển khai các tàu gần các đảo nhỏ “có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và gây thiệt hại về vật chất và tài sản”.

Ông Blinken đã gọi sự trỗi dậy của Trung Quốc là “thử thách địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”, trong khi Tokyo ủng hộ rộng rãi những lời chỉ trích của Washington đối với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh.

Kể từ khi vào Nhà Trắng, chính quyền Biden đã đặt việc hồi sinh các liên minh của Mỹ lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Họ làm việc để trấn an Nhật Bản và các nước khác về các cam kết với mối quan hệ, sau khi chính sách của cựu tổng thống Donald Trump “Nước Mỹ trên hết” khiến các đối tác lo ngại.

Trong một tờ thông tin được công bố ngay trước khi các quan chức Mỹ đến Tokyo, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định mạnh mẽ: "Cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Nhật Bản là tuyệt đối”.

Phương Anh(Nguồn: Reuters, Japan Times)
Bình luận
vtcnews.vn