Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu các phái đoàn trong cuộc đàm phán tại Geneva.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí khởi động đối thoại song phương về ổn định chiến lược hạt nhân nhằm "tạo cơ sở cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai".
Phạm vi nội dung của cuộc đàm phán hôm 28/7 không được công khai, nhưng các nhà phân tích kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu của quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân.
"Các cuộc đàm phán cần dẫn đến việc thực sự cắt giảm được đáng kể vũ khí hạt nhân”, ông Daniel Hogsta, thuộc tổ chức Chiến dịch Quốc tế hủy bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN), nói.
"Chúng tôi đang bắt đầu làm việc với chính quyền mới của Mỹ... Đó chỉ là gặp gỡ, chào hỏi và nỗ lực thiết lập một số nhận định cơ bản", giáo sư Andrey Baklitskiy tại đại học Quan hệ Quốc tế Moscow cho biết.
Ông Baklitskiy nói thêm rằng hai bên dự kiến sẽ thảo luận về hệ thống vũ khí và công nghệ đang được quan tâm nhất. Ví dụ như Nga vẫn còn lo ngại Mỹ điều chỉnh máy bay ném bom hạng nặng và bệ phóng để phóng tên lửa đạn đạo. Cũng như việc chính quyền Biden từng khẳng định Nga đơn phương tham gia vào một vụ thử hạt nhân và vi phạm lệnh cấm thử hạt nhân.
Tháng 1, Nga gia hạn 5 năm hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Mỹ. Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi hiệp ước hết hiệu lực. New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa và máy bay ném bom mà Nga và Mỹ có thể triển khai.
Bình luận