WSJ trích dẫn nguồn tin quan chức ngoại giao phương Tây cho biết, ngày 2/4 (theo giờ địa phương) tại thủ đô Vienna của Áo, sẽ diễn ra cuộc họp giữa các nước tham gia Kế hoạch hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - hay còn gọi là nhóm P5+1, bao gồm Mỹ, Iran, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc.
Đây là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. JCPOA được ký kết hồi tháng 7/2015 và có hiệu lực tháng 1/2016, theo đó Iran tuân thủ hạn chế với chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế.
Thế nhưng, vào 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA tháng 5/2018 và tái áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Đáp trả, quốc gia Trung Đông từng bước khôi phục hoạt động làm giàu uranium và phá vỡ cam kết theo thỏa thuận.
Dù có nhiều nỗ lực của các nước thành viên, đặc biệt là mong muốn từ phía Mỹ. Tuy nhiên, Iran từ chối các đề nghị ban đầu, yêu cầu thống nhất các bước khôi phục JCPOA trước khi hội đàm trực tiếp.
"Họ thông báo với chúng tôi rằng tốt nhất là các bên thực hiện một động thái mở đường cho các cuộc đàm phán đó", một quan chức Mỹ cho biết. "Họ muốn giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc đảo ngược một số quyết định về chương trình hạt nhân, vốn vi phạm thỏa thuận JCPOA".
Các quan chức phương Tây tham gia đàm phán cho biết động lực cho đột phá trong đàm phán diễn ra trong hai tuần, khi ba cường quốc châu Âu thảo luận với Mỹ rồi đề xuất với Iran thỏa thuận dỡ phong tỏa một tỷ USD tiền bán dầu cho Hàn Quốc. Iran sẽ được dùng số tiền này để mua các mặt hàng nhân đạo và phải đình chỉ hoạt động làm giàu uranium tới mức 20%.
Tuy nhiên, Iran từ chối đề xuất và yêu cầu Mỹ dỡ phong tỏa toàn bộ doanh thu xuất khẩu của nước này, ước tính hơn 30 tỷ USD, để đổi lấy việc đình chỉ làm giàu uramiun tới mức 20% trong một tháng. Giới chức Mỹ nhận định đây là ý tưởng không có triển vọng.
Bình luận