Trong cuộc hội đàm giữa các đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, Sung Kim và người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk hôm 21/6, hai người đã đồng ý "xem xét việc chấm dứt nhóm làm việc" trong khi tăng cường phối hợp ở các cấp khác, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố.
Cùng ngày, ông Kim cho biết ông sẵn sàng gặp gỡ Triều Tiên "mọi lúc, mọi nơi mà không cần điều kiện trước" và ông mong sớm nhận được một "phản ứng tích cực". Ông dự kiến gặp Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young, người phụ trách các mối quan hệ với Triều Tiên, hôm 22/6.
Nhóm công tác được thành lập vào năm 2018 để giúp hai đồng minh phối hợp các phương pháp tiếp cận trong các vấn đề như đàm phán phi hạt nhân hóa, viện trợ nhân đạo, thực thi lệnh trừng phạt và quan hệ liên Triều trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Triều Tiên vào thời điểm đó.
Năm ngoái, khi được hỏi về các đề xuất của Seoul như mở lại hoạt động du lịch cho người láng giềng phía bắc, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc lúc bấy giờ là Harry Harris nói rằng "để tránh hiểu lầm về sau có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt... Tốt hơn là nên đưa điều này ra thông qua nhóm làm việc".
Mặc dù Harris nói thêm rằng đây không phải là nơi Mỹ thông qua các quyết định của Hàn Quốc, nhưng nhận xét đã gây ra tranh cãi ở Seoul và một cựu trợ lý của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau đó nói với quốc hội rằng nhóm công tác bị coi là một trở ngại đối với quan hệ liên Triều.
Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia về Triều Tiên tại King's College London, cho biết chính quyền ông Moon sẽ coi việc kết thúc nhóm làm việc là một cử chỉ thiện chí từ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông nói: “Từ quan điểm của Hàn Quốc, đây về cơ bản là một cơ chế để Mỹ ngăn chặn các dự án liên Triều trong những năm của ông Trump. Việc chấm dứt nhóm sẽ là một động thái chính trị khôn khéo với chính quyền Biden, vì dù sao thì cuộc tham vấn giữa Washington và Seoul cũng sẽ diễn ra".
Bình luận