Cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từng cho rằng các công dân khỏe mạnh không cần phải đeo khẩu trang trừ khi họ bị bệnh.
Khi các nhân viên y tế trên toàn thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang N95 và đồ bảo hộ, các quan chức y tế Mỹ cảnh báo người dân không nên tích trữ khẩu trang.
Nhưng những hướng dẫn này có thể sẽ thay đổi.
Hôm 30/3, trong cuộc họp với nhóm đặc trách đối phó với Covid-19, một số người đặt vấn đề với Tổng thống Trump rằng liệu người Mỹ có nên đeo khẩu trang hay không.
"Đó chắc chắc là điều chúng ta có thể thảo luận. Nó có thể xảy ra trong một khoảng thời gian giới hạn", ông Trump nói.
Tiến sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC sau đó xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với đài Atlanta rằng cơ quan này đang xem xét các hướng dẫn của họ về việc ai nên đeo khẩu trang.
Trích dẫn dữ liệu mới cho thấy tỷ lệ lây nhiễm cao từ những người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng, ông Redfield nói rằng các hướng dẫn về việc đeo khẩu trang nên được xem xét lại một cách nghiêm túc.
"Virus corona chủng mới có thể lây nhiễm gấp 3 lần so với cúm. Một số người mắc bệnh và truyền virus 2 ngày trước khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào. Điều này lý giải mức độ lây lan nhanh chóng của virus này trên cả nước. Chúng ta có những người mang mầm bệnh không có triệu chứng và những người truyền virus 48 giờ trước khi xuất hiện triệu chứng", ông cho hay.
"Điều đó rất quan trọng vì bây giờ có những cá nhân có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào góp phần vào chuỗi lây truyền và từ thực tế cũng xác nhận được rằng họ có "đóng góp" vào việc truyền bệnh", ông cho hay.
Một quan chức Mỹ cho biết đánh giá của CDC về việc có nên yêu cầu công chúng đeo khẩu trang hay không xuất phát từ yêu cầu của nhóm đặc trách đối phó với Covid-19 của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci cảnh báo khuyến nghị như vậy có thể gây ra sự thiếu hụt trầm trọng hơn nữa về khẩu trang N95 và các loại khẩu trang y tế mà các nhân viên y tế đang rất cần.
Tuy nhiên, ông Fauci nói rằng ý tưởng về việc sử dụng rộng rãi khẩu trang trên toàn cộng đồng đang được thảo luận rất tích cực.
Video: Thực hư việc Giáo sư ở Nhật tặng Việt Nam 2.000 máy trợ thở
Ở châu Á, hầu hết các nước đều khuyến khích người dân đeo khẩu trang. Nhưng ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, bản thân người dân và các chính phủ không quá quan tâm tới điều này.
Nếu mọi người cùng đeo khẩu trang, các cá nhân sẽ bảo vệ lẫn nhau, giảm lây nhiễm cộng đồng. Đài Loan hay Hong Kong, những nơi sớm kêu gọi người dân đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
"Giá trị của khẩu trang không nhất thiết nằm ở chỗ nó giúp bạn không bị nhiễm bệnh mặc dù nó có thể mang lại sự bảo vệ nào đó. Đó là bảo vệ bạn khỏi những người khác. Do đó, khi ai đó nhiễm bệnh đeo khẩu trang, họ sẽ ít lây nhiễm cho người khác hơn", Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho hay.
Scott Gottlieb nói thêm rằng các nghiên cứu liên quan tới cúm cho thấy một người có thể giảm khả năng lây lan cúm khoảng 50% nếu đeo khẩu trang.
Mỹ hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 180.000 ca mắc Covid-19 và hơn 3.800 người thiệt mạng. Nhà Trắng cảnh báo sẽ có khoảng 100.000 tới 240.000 người Mỹ có thể chết vì Covid-19 nếu người dân không nghiêm túc trong việc phòng ngừa dịch bệnh.
Bình luận