Theo báo South Morning China Post ngày 18/8, bom hạt nhân thông minh B61-12 là một loại vũ khí hạt nhân chiến thuật (còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược) được thiết kế để hỗ trợ bộ binh, hải quân và không quân ở các khu vực gần lực lượng quân sự đồng minh, thậm chí cả trên lãnh thổ tranh chấp.
Bắt đầu sản xuất bom từ năm 2020
Bom hạt nhân B61-12 nặng 350 kg là vũ khí hạt nhân “thông minh” đầu tiên có thể điều khiển được, có thể đâm thủng các cơ sở quân sự nằm sâu dưới đất hàng trăm mét.
Không như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm sử dụng, B61-12 được thiết kế cho máy bay chiến đấu tàng hình tốc độ cao.
Máy bay F-15E “Đại bàng tấn công" đã phóng thử một quả ngày 1/7/2015 để ném vào các mục tiêu địch chính xác nhưng chỉ gây tác hại hạn chế vào các cơ sở và người sống gần mục tiêu. Thông tin khác nói rằng các kiểu máy bay chiến đấu mới của Mỹ như F-35 Joint Strike Fighter đều có thể mang bom B61-12.
Hồi đầu tháng 8, Vụ An ninh hạt nhân quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã tuyên bố hoàn tất giai đoạn 4 năm phát triển và thử nghiệm bom B61-12. Dự kiến công tác sản xuất sẽ bắt đầu từ năm 2020.
Nga và Trung Quốc được cho là đã cùng phát triển loại vũ khí tương tự B61 từ hàng chục năm nay, nhưng xem ra các chuyên gia Trung Quốc rút bài học từ việc Liên Xô không thể chạy đua với Mỹ hồi Chiến tranh lạnh.
Song Zhongping, một cựu sĩ quan huấn luyện của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc, cho rằng một trong những thách thức lớn của Trung Quốc là phương tiện chở quả bom hạt nhân: “Như nhiều cường quốc hạt nhân khác, từ nhiều năm trước Trung Quốc đã phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tương tự.
Trung Quốc đã có công nghệ hạt nhân từ hàng chục năm rồi. Khó khăn chính là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Trung Quốc nay phải đối mặt về độ chính xác và sẽ sử dụng phương tiện nào để chở các loại vũ khí mini”.
Ông Song thừa nhận công nghệ Trung Quốc kém xa công nghệ Mỹ và Nga nhưng ông không nói chi tiết Bắc Kinh đang phát triển loại vũ khí nào.
Nhà phân tích quân sự Ni Lexiong ở Thượng Hải cho biết sự kiện Mỹ tuyên bố phát triển quả bom gây tranh cãi này cho thấy Lầu Năm Góc chuẩn bị đối phó một cuộc chiến tranh khu vực như đối phó Triều Tiên hay Trung Quốc.
Ông nói: “Rất hiếm khi Mỹ tuyên bố triển khai một loại vũ khí gây tranh cãi. Có thể Mỹ sẽ dùng B61-12 trong trường hợp xảy ra chiến tranh khu vực”. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng Mỹ muốn tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân bằng cách công bố một dự án gây sốc: “Đó là một dự án rất tốn kém”.
Siêu bom B61-12 gây tranh cãi vì tốn quá nhiều tiền
Quả bom B61-12 được cho là loại bom hạt nhân tốn tiền nhất, khoảng 11 tỉ USD để sản xuất 400 quả. Bom này thuộc chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ vốn dự kiến tốn 1.000 tỉ USD trong 30 năm tới.
Video: Nhật tung video tàu cá TQ xâm phạm chủ quyền
Tổng thống Obama đã tuyên bố 180 quả bom hạt nhân thông minh này sẽ được triển khai ở các căn cứ quân sự tại 5 quốc gia châu Âu gồm Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ dù hồi tháng 7.2016, 10 thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi hạn chế chi tiền sản xuất vũ khí hạt nhân.
Giáo sư Jonathan Holslag, nhà nghiên cứu trưởng ở Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brussels (Bỉ) đánh giá việc sản xuất quả siêu bom này sẽ bị hạn chế vì quá tốn kém.
Ông nói: "B61-12 giúp Mỹ tăng cường các biện pháp tấn công với các đối thủ tềm nằng như Trung Quốc, Nga, Iran. B61-12 làm tăng khả năng leo thang giữa chiến tranh quy ước với chiến tranh hạt nhân có thể dẫn đến tận thế.
Chúng ta đã ở trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và ngược với Chiến tranh lạnh, kích thước của loại vũ khí này không phải là vấn đề mà vấn đề là ở độ chính xác và khả năng sống sót của con người”.
Siêu bom là phiên bản hiện đại của bom B61
Thực ra, bom B61-12 là phiên bản được nâng cấp lần thứ 12 của B61, một loại vũ khí hàng đầu trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ từ khi được phát triển vào giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh (năm 1963).
Khác với B61-12 có bộ phận dẫn đường ở phần đuôi và hệ thống điều khiển bên trong cho phép tấn công mục tiêu chính xác, các phiên bản đầu của B61 là bom trọng lực, nghĩa là sẽ rơi hoàn toàn phụ thuộc lực hút của Trái đất và không thể điều khiển. Quả bom trọng lực truyền thống có độ chính xác thấp nếu được thả rơi tự do hoặc có dù hỗ trợ.
Từ những năm 1960, Mỹ đã sản xuất 3.000 quả B61 nhưng hiện chỉ còn khoảng 825 quả vì sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Mỹ đã tháo dỡ hàng ngàn vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu.
B-61 được thiết kế nhằm đề phòng nguy cơ Hồng quân Liên Xô áp đảo châu Âu. Loại bom này được giao cho không quân Mỹ từ những năm 1970 với tổng cộng 5 phiên bản B61-3, 4, 7 và 10 có sức công phá tương đương 360.000 tấn thuốc nổ TNT.
Bình luận