Hôm 20/5, hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho hay, khu trục hạm USS Curtis Wilbur đang thực hiện hoạt động tuần tra nhằm "khẳng định quyền tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi mà Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Thông cáo của hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết: "Luật pháp quốc tế không cho phép đơn phương áp đặt bất cứ yêu cầu xin phép hoặc thông báo trước về việc đi lại vô hại”.
Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam của quân đội Trung Quốc cũng cho biết, tàu chiến và máy bay quân sự của nước này đã bám theo Curtis Wilbur khi khu trục hạm này đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Trước khi đến Biển Đông, khu trục hạm Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã thực hiện "chuyến di chuyển qua eo biển Đài Loan". Hôm 18/5, hải quân Mỹ khẳng định hành động này phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong năm nay, Mỹ đã 5 lần điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan.
Biển Đông được xem là điểm nóng trong quan hệ Trung - Mỹ thời gian qua. Washington bác bỏ yêu sách lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này. Các tàu chiến của Mỹ đã đi qua Biển Đông với tần suất ngày càng nhiều trong những năm gần đây, thể hiện quan điểm quyết liệt của Mỹ, sẵn sàng thách thức Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, Mỹ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, liên tục điều tàu chiến đến Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, thể hiện cam kết với các quốc gia trong khu vực.
Hôm 19/5, phát biểu tại Học viện Cảnh sát biển Mỹ ở New London, bang Connecticut, Tổng thống Joe Biden tiếp tục cho thấy lập trường không nhân nhượng trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố Washington sẵn sàng bảo vệ các tuyến đường biển rộng mở và an toàn ở Biển Đông.
Bình luận