Các công ty Mỹ sẽ được phép mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga nếu họ tuân thủ mức trần giá do các nước đồng minh nhất trí, theo bản hướng dẫn được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 10/9.
Theo văn bản trên, Mỹ sẽ cấm các dịch vụ liên quan đến vận chuyển dầu của Nga trên biển từ ngày 5/12 và các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 5/2/2023.
Lệnh cấm đó sẽ không áp dụng đối với các bên mua nhiên liệu của Nga ở mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn giá trần sẽ được thiết lập bởi liên minh các nước G7 và EU trong thời gian tới. Nếu các công ty tuân thủ quy tắc về giá, họ sẽ được tiếp cận những dịch vụ như bảo hiểm và tiếp nhiên liệu.
Các nhà nhập khẩu hoặc nhà máy lọc dầu muốn mua dầu của Nga ở mức dưới giá trần giới cần phải cung cấp giấy tờ chứng minh hợp lệ cho các nhà cung cấp dịch vụ vận tải.
Những công ty mua dầu giá cao hơn mức trần hoặc cố ý cung cấp thông tin sai lệch sẽ phải đối mặt với trường hợp bị điều tra pháp lý và phạt tiền.
OFAC không nêu rõ mức trần giá, nhưng cho biết hướng dẫn bổ sung sẽ được ban hành sau khi tham vấn với các quốc gia khác có liên quan.
Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, đã đồng ý áp đặt giới hạn đối với dầu của Nga vào đầu tháng 9. G7 đang hướng tới việc khẩn trương thiết lập một liên minh rộng lớn nhằm tối ưu hóa hiệu quả của biện pháp, đồng thời hối thúc tất cả các nước định nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá này hoặc thấp hơn. Mức giá trần ban đầu sẽ dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và sẽ thường xuyên được điều chỉnh khi cần thiết. Mục tiêu được đưa ra là nhằm gây sức ép đối với Moskva về chiến dịch tại Ukraine, đồng thời xoa dịu tình hình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã miêu tả quyết định áp đặt mức trần giá dầu là hoàn toàn vô lý, đồng thời cảnh báo rằng Nga có thể ngừng cung cấp dầu cho các nước ủng hộ kế hoạch này.
Ngày 5/9, Điện Kremlin cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả liên quan tới đề xuất của Nhóm Các G7 về việc áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Ngoài ra, Điện Kremlin cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân dẫn tới quyết định đình chỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 giữa Nga và Đức.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng tới công tác bảo trì đường ống, khẳng định việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu không mang động cơ chính trị.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov khẳng định Moskva sẽ tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sang châu Á nhằm đối phó với kế hoạch của G7. Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông đang diễn ra ở thành phố Vladivostok, Bộ trưởng Shulginov nhận định nhiều khả năng châu Âu sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027.
Theo ông, giá giao ngay hiện nay cho thấy việc độc lập với nguồn cung khí đốt của Nga "không hề đơn giản". Mùa Đông sắp tới sẽ là minh chứng thực tế cho việc từ bỏ hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga. Châu Âu khó có thể dựa vào đối tác nào ngoại trừ Mỹ, quốc gia đang mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Bình luận