CNN cho biết Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) không tiết lộ chi tiết về thử nghiệm đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Đợt thử nghiệm này sẽ diễn ra tại căn cứ triển khai THAAD ở Kodiak, Alaska, của Mỹ.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đợt thử nghiệm không liên quan đến việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa gần đây. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, việc leo thang chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đã thúc đẩy Washington tìm cách cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa.
Đợt thử nghiệm sẽ kiểm tra khả năng tìm kiếm, theo dõi và đánh chặn mục tiêu bằng tên lửa. THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay.
Theo Lockheed Martin, mỗi khẩu đội THAAD gồm 6 xe mang phóng với 8 đạn tên lửa/xe, 2 radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu AN/TPY-2, 2 trung tâm chiến thuật di động. Hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly 200 km, tầm cao 150 km.
THAAD là một phần trong bộ ba phòng thủ tên lửa của Mỹ cùng với Aegis BMD trên các chiến hạm và hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD). Trong đó, THAAD là hệ thống có tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm cao nhất, gần như tuyệt đối.
Video: Tiết lộ bí mật tên lửa Mỹ dùng không kích Syria
Theo MDA, hệ thống THAAD đã tiến hành 13 đợt thử nghiệm từ năm 2006 đến nay với tỷ lệ thành công 100%. THAAD được triển khai trong quân đội Mỹ từ năm 2008. Hệ thống này cũng được triển khai đến Hàn Quốc gây nên đợt căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa Seoul và Bắc Kinh.
Tháng trước, Mỹ và Nhật Bản tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ Aegis BMD ngoài khơi Hawaii nhưng tên lửa đã thất bại trong việc đánh chặn mục tiêu. Hệ thống Aegis BMD sử dụng tên lửa SM-3, lô IIA để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung trên biển.
Trong tháng 5, MDA lần đầu thử nghiệm đánh chặn thành công mục tiêu mô phỏng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngoài không gian. Đợt thử nghiệm sử dụng tên lửa đánh chặn mới của hệ thống GMD, có căn cứ tại Alaska và California.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chương trình GMD đã tồn tại hơn một thập kỷ nhưng tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm chỉ hơn 50%. Các nhà phân tích đang hoài nghi tính hiệu quả của lá chắn tên lửa trị giá 40 tỷ USD này.
Bình luận