Cuộc chiến giành ngôi bá chủ
Trong vài thế kỷ qua, các cuộc chiến thương mại thường là những biểu hiện cao độ của một cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ kinh tế toàn cầu. Giữa thế kỉ 17, bất chấp sự thống trị trên biển của Hà Lan, nước Anh đã thông qua cái gọi là "Đạo luật hàng hải", độc quyền cho phép duy nhất tàu thuyền người Anh được chở hàng hóa về mẫu quốc từ các quốc gia ngoài châu Âu. Vì vậy mà một thế kỷ rưỡi sau, hoàng đế Napoleon của nước Pháp đã cố gắng bóp ghẹt thương mại của Anh quốc với châu Âu, bằng việc tuyên bố chế độ "Phong tỏa lục địa". Vào cuối thế kỷ 19, thủ tướng Otto von Bismarck cũng đẩy mạnh việc áp dụng bảo hộ thuế quan nhằm bảo vệ thị trường nội địa đang lên của Đế quốc Đức.
Nhìn từ hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là sự lặp lại các sự kiện lịch sử diễn ra trong quá khứ của chủ nghĩa tư bản. Những động thái đầu tiên của cuộc chiến thương mại được Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động và kéo dài suốt trong năm 2018, dự đoán sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Nước Mỹ là siêu cường duy nhất của thế giới, thế lực bá chủ toàn cầu trong nhiều thập niên trở lại đây, thực sự đang lo lắng vì sự đe dọa cạnh tranh vị trí số một từ một quốc gia khác trên phạm vi toàn cầu, cụ thể là Trung Quốc.
Những tương quan Mỹ - Trung hiện nay cho thấy, mô hình hiện đại hóa nền kinh tế của Bắc Kinh diễn ra khá hiệu quả. Được xem là "công xưởng của thế giới", Trung Quốc không che giấu ý đồ tranh đoạt vị trí bá chủ thế giới từ tay người Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ở giai đoạn "đình chiến" trong thời gian 90 ngày, sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được một đồng thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires (Argentina) đầu tháng 12/2018. Tuy nhiên, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể tin rằng cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử thương mại toàn cầu hiện đại sẽ được giải quyết bằng những cuộc đối thoại chóng vánh. Mâu thuẫn giữa hai siêu cường kinh tế thế giới đã tích lũy trong nhiều năm, vậy nên giải pháp cho vấn đề tranh chấp không thể được xóa bỏ trong thời gian ngắn.
Theo nhà kinh tế học Alexander Zotin của Học viện Ngoại thương Liên bang Nga, "ít có khả năng thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết trong năm 2019. Một kịch bản có thể diễn ra là việc kéo dài thời gian hòa hoãn thêm 90 ngày, và sẽ thêm tiếp tục thêm 90 ngày nữa của Mỹ".
Ông Zotin tin rằng, nếu Mỹ vẫn tăng thuế từ 10 % hiện nay lên 25 %, thì quy mô tác động lên nền kinh tế Trung Quốc sẽ vào khoảng 1% GDP. Theo đó, cuộc chiến thương mại này sẽ vượt ra ngoài quy mô song phương và gây ra những hậu quả toàn cầu.
Nhà phân tích kinh tế Ivan Lizan, người đứng đầu dự án "SONAR-2050" nhấn mạnh, trong hệ thống tư bản, những mâu thuẫn sẽ được tích lũy từ quá trình chuyển đổi biện chứng từ số lượng sang chất lượng. Do đó, chiến tranh thương mại là khúc dạo đầu cho những cuộc chiến thực sự.
Chiến tranh thế giới sẽ diễn ra khi nào và dưới hình thức nào thì vẫn chưa rõ ràng. Nhưng trong năm tới, cuộc khủng khoảng kinh tế có thể diễn ra song song: nền kinh tế Mỹ đang trên bờ vực khủng hoảng và hàng loạt vấn đề lớn khác ở Trung Quốc. Những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng "áp lực và đè bẹp" Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên. Trong đó, vụ bắt giữ con gái của người sáng lập tập đoàn Huewei Meng Wanzhou tại Canada, chỉ là màn khởi đầu, chưa rõ hồi kết.
Do đó, ông Lizan tin rằng, Mỹ sẽ áp dụng chính xác vào Trung Quốc "bộ công cụ trừng phạt" mà họ đã sử dụng để chống lại Nga. Điều khác biệt duy nhất là Trung Quốc sẽ khiến Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn, bởi vì nếu với Nga, Mỹ tỏ ra kiêu ngạo, còn với Trung Quốc họ phải mặc cả.
Vậy nên, Bắc Kinh vẫn có cơ hội theo đuổi những kế hoạch của mình. Trung Quốc sẽ gắng sớm hoàn thành bước đột phá trong việc phát triển công nghệ robot và thay thế nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn, từ đó làm giảm đáng kể lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực này. Trung Quốc sẽ cố gắng bằng mọi cách trì hoãn Mỹ thực hiện một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Nước Nga "tọa sơn quan hổ đấu"
Theo tờ "Quan điểm" (Vzglyad) của Nga, trong năm 2018, kim ngạch thương mại Nga - Trung gần cán đến mốc đề ra là 100 tỉ USD. Tính đến tháng 10 năm 2018, kim ngạch song phương đạt mức 87,2 tỉ USD, tăng 28,2 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga sang Trung Quốc tăng 44 % (đạt 47,97 tỉ USD), nhiều hơn so với khối lượng xuất khẩu của Bắc Kinh sang Nga 13 % (đạt 39,27 tỉ USD).
Theo nhận định của đại diện "Tổ chức tư vấn tài chính FOC" tại Nga Moses Furschik, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa gây ảnh hưởng và sẽ khó có thể gây ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu tài nguyên năng lượng . Vì cuộc chiến hiện nay diễn ra theo 2 hướng chính là hàng hóa công nghệ cao và nguyên liệu thô (nông sản, kim loại và hóa học).
Trong hướng đầu tiên về công nghệ, Nga không phải là người chơi chính, do đó nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn, hậu quả sẽ chỉ là việc tăng chí phí nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, từ đó làm tăng chí phí trong chuỗi sản xuất. Theo hướng phát triển thứ 2 của chiến tranh thương mại, Furschik giả định, hậu quả cũng sẽ không rõ ràng, khi các sản phẩm nông nghiệp của Nga sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh so với các đối thủ đang bị hạn chế thuế quan. Trong lĩnh vực kim loại, Nga cũng sẽ nhận được những lợi ích phân phối từ nhiều phía.
"Như vậy, trong mọi trường hợp, nước Nga không nên quá tích cực tham gia vào cuộc chiến thương mại này, vì tác động tiêu cực ngược lại sẽ mạnh hơn nhiều", ông Moses Furschik nhấn mạnh.
Đối với Nga, điều quan trọng hiện nay cần hiểu chính xác là, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là tranh chấp thương mại và thuế quan, mà là một cuộc đối đầu phức tạp, bao trùm lên cả kinh tế, chính trị, quân sự và là "thùng thuốc súng tiềm ẩn", nhà nghiên cứu Georgy Kocheshkov nhận định.
Ngoài ra, sau một thời gian, cuộc xung đột này có thể sẽ mở rộng về thành phần tham gia, khi mà báo chí Mỹ đã và đang thúc đẩy mong muốn của Washington nhằm tạo ra một mặt trận rộng lớn chống Trung Quốc. Thành phần bao gồm tất cả đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu, các nước thuộc khối NAFTA, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong tình huống này, ông Kocheshkov tin rằng, điều rất quan trọng đối với Nga là "cần giữ vai trò một cách thực dụng nhất". Tất nhiên , Nga sẽ rất khó hạn chế khả năng trung lập theo các lệnh trừng phạt của Mỹ. Song, người Nga không nên quên việc các công ty Trung Quốc từ chối hợp tác với Matxcơva, dưới áp lực cấm vận của Washington trước đây. Ngoài ra, Nga cũng sẽ không quên về sự chuyển đổi "lợi ích thực dụng" của Trung Quốc sang phía Mỹ trong Chiến tranh lạnh vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Hiện tại, nước Nga có nhiều cơ hội để hợp tác phát triển với Trung Quốc, bởi vì Mỹ cho đến nay vẫn chưa có mong muốn đàm phán nghiêm túc để gỡ bỏ mâu thuẫn với Matxcơva. Tuy vậy, suy cho cùng, nước Nga vẫn cần và nhất thiết thể hiện "tính trung lập" trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bình luận