• Zalo

Muôn nẻo mưu sinh của cầu thủ khi giải nghệ

Thể thaoThứ Năm, 08/01/2015 07:34:00 +07:00 Google News

Đời cầu thủ có hai bước ngoặt quan trọng. Thứ nhất: ngày được thi đấu bóng đá đỉnh cao. Thứ hai: ngày giã từ sân cỏ

Đời cầu thủ có hai bước ngoặt quan trọng. Thứ nhất: ngày được thi đấu bóng đá đỉnh cao. Thứ hai: ngày giã từ sân cỏ.

Thời còn dọc ngang, tung hoành trên sân cỏ trong và ngoài nước, họ quá quen thuộc với những pha bóng hay, những bàn thắng đẹp cùng những lời chúc tụng bên cạnh các danh hiệu.
Nhưng khi giã từ sự nghiệp, chọn nghề gì để mưu sinh là bài toán nan giải của vô số cầu thủ.
Không phải người nào cũng có thành công sau khi treo giày như HLV Huỳnh Đức 
Treo giày và làm thầy
Thông thường, dân đá bóng sau lúc treo giày đều chọn nghiệp HLV. Nhưng cả nước có được mấy người thành công như các HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T), Nguyễn Hữu Thắng (SLNA), Lê Huỳnh Đức (CA TP.HCM), Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định) hay Hoàng Anh Tuấn (Khánh Hòa).
Không gặp thời khi hành nghề HLV bóng đá đỉnh cao, nhiều danh thủ phải lui về huấn luyện bóng đá trẻ, bóng đá phong trào như trường hợp của Nguyễn Văn Dũng (Nam Định, bốn lần đoạt giải vua phá lưới toàn quốc), Triệu Quang Hà (Thể Công)...
Hành trình đến với nghiệp HLV muôn phần gian nan, biết vậy nhưng Minh Phương (SHB Đà Nẵng), Tài Em (Đồng Tâm Long An) vẫn cặm cụi theo học các lớp HLV từ thấp đến cao do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức. Vẫn còn tung tăng trên sân cỏ ở V-League 2015, nhưng cặp tiền vệ lừng danh một thời này đã nhận được bằng A HLV quốc tế do AFC cấp để có thể trở thành HLV một đội bóng chuyên nghiệp trong tương lai.
Vài năm trở lại đây, Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF) trở thành “địa chỉ đỏ” với các cựu tuyển thủ. Với lượng học viên lên đến hơn 100 em đòi hỏi lực lượng HLV cũng phải dồi dào để huấn luyện, quản lý. 
Đây cũng là lò đào tạo bóng đá trẻ quy tụ các anh tài một thời vang bóng của CA TP.HCM (Minh Chiến, Hiền Vinh, Trí Cường, Liêm Thanh, Hoàng Hùng, Ngọc Thọ, Tuấn Phong, Việt Thắng), Thể Công (Mạnh Cường, Duy Đông), Khánh Hòa (Hữu Đang, Hữu Lộc), Nam Định (Thế Hiếu), Đồng Tháp (Trịnh Tấn Thành, Quang Trãi), Đà Nẵng (Võ Văn Hạnh), CSG (Hoàng Bửu, Ngầu Nại, Văn Lợi, Trung Tuấn, Nguyên Chương). 
Thu nhập hằng tháng của mỗi người xấp xỉ 20 triệu đồng, ngoài ra họ còn được lãnh đạo PVF cho đi học các lớp HLV do AFC tổ chức từ thấp đến cao.
Video Quốc Vượng đi bốc vác
Muôn nẻo mưu sinh
Một số khác chọn con đường đi định cư nước ngoài cùng gia đình và có cuộc sống ổn định nhờ làm việc cho các hãng xưởng, công ty ở Úc như Hoài Linh (CA TP.HCM), Hà Vương Bửu (CSG) hay ở Mỹ như Phạm Văn Tám, Phan Huy Khải (CSG), Vũ Trọng Thành (Sở Công nghiệp), Trọng Linh (CA TP.HCM).
Số khác được tuyển vào biên chế, hiện công tác trong ngành công an như Vũ Minh Hiếu, Tuấn Thành (CSGT Hà Nội), Lã Xuân Thắng (cảnh sát hình sự Long Biên, Hà Nội), Chu Văn Mùi (CSGT Q.6, TP.HCM), Bùi Sĩ Thành, Bùi Tuấn Anh, Phan Bá Hùng (Trung tâm TDTT CA TP.HCM), Hải quan thành phố như Đỗ Khải, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Hoàng Tân hay trường hợp Võ Hoàng Tân (lai dắt tàu ở thủy đội CSG).
Dù chơi bóng cùng thời, cùng CLB nhưng không phải ai cũng được xét chọn vào biên chế để làm việc trong ngành do vướng phải những rào cản khách quan. Chính vì vậy, tay săn bàn một thời của CA TP.HCM - tiền đạo Nguyễn Hoàng Tuấn - tìm kế mưu sinh bằng việc làm quản lý sân bóng đá mini, thi thoảng kiếm thêm đồng ra đồng vào bằng việc cầm còi điều khiển các trận đá bóng phong trào. 
Đôi ba người có được tấm bằng HLV hạng B hay C do AFC cấp như cựu cầu thủ Hồ Văn Tam (CSG), nhưng vì không tìm được bến đỗ ở các CLB chuyên nghiệp nên đành phải chọn cách làm HLV cho các đội bóng phong trào, trường học để mưu sinh.
Cũng có một số cầu thủ chọn kế sinh nhai bằng việc mở quán ăn như cựu tuyển thủ quốc gia Bùi Hữu Lợi (CAHN). Gần một năm sau khi khai trương quán ăn gia đình trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), Hữu Lợi nói vui: “Nhờ trời thương, quán được anh em thể thao và giới văn nghệ sĩ chiếu cố đông đảo hằng đêm nên cũng có được đồng ra đồng vào không chỉ nuôi sống vợ con mà còn tạo công an việc làm cho hơn 20 nhân viên khác. Nhưng đó cũng là một “canh bạc” liều lĩnh mà đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hết hồi hộp, âu lo...”.
Lợi kể: “Mấy hôm đầu, cứ mở mắt ra là tôi đau đáu với câu hỏi làm sao lời được ít nhất là 5-7 triệu đồng mỗi ngày để trang trải tiền thuê nhà, điện, nước, nhân viên. Muốn hút khách rồi giữ chân khách chỉ còn cách phải có món ngon đặc sản. Thế là tôi chơi liều bằng cách đặt hàng các món ngon từ Hạ Long chuyển vào như sá sùng, cá bớp, sò ngán... với giá cả phải chăng. Để hạ giá thành, từ 2g-3g sáng phải đến chợ đầu mối ở Hóc Môn để tìm mua thực phẩm tươi ngon, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh”.
Để có thể được tạm gọi thành công như hiện nay, Bùi Hữu Lợi cũng nếm biết bao cay đắng hơn chục năm qua. Năm 1997 khi cùng tuyển VN tập trung tại Hà Nội chuẩn bị Tiger Cup 1998, anh bị đứt dây chằng chéo sau đầu gối đúng thời điểm phong độ đang lên. Ngày ấy, đơn vị chủ quản là CAHN không có kinh phí cho Lợi chữa trị nên tuyển thủ quốc gia này đành treo giày ở tuổi 28.
Lê bước chân nặng nhọc, Lợi đến làm việc ở một cây xăng tại TP.HCM. Làm được vài năm thì bị dị ứng do không chịu được mùi xăng dầu, Lợi xin thôi việc về nhà cùng vợ mở cơ sở may gia công quần áo trẻ em. Thu nhập cũng tạm ổn, nhưng không lâu sau đó kinh tế xuống dốc, ngành may mặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Túng thế, Lợi chạy vạy ngược xuôi vay của cha mẹ, bạn bè gần tỉ đồng để mở quán. Sinh sau đẻ muộn nhưng quán ăn gia đình của Bùi Hữu Lợi không bi đát như trường hợp của một số đồng nghiệp khác.

Theo Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn