• Zalo

Muôn kiểu 'bài Nhật' của người Hàn: Không đổ xăng cho xe Nhật, học sinh bất kính với giáo viên Nhật

Thế giớiThứ Bảy, 27/07/2019 14:26:00 +07:00Google News

Làn sóng "bài Nhật" vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở Hàn Quốc sau khi quan hệ 2 nước leo thang từ đầu tháng 7.

Căng thẳng âm ỉ giữa Tokyo và Seoul nhiều thập kỷ qua bùng nổ hôm 1/7 khi Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao polyimide fluoride, photoresists và hydro fluoride sang Hàn Quốc. 

Tokyo cũng đang lên kế hoạch loại người láng giềng ra khỏi “Danh sách trắng” gồm những quốc gia được hưởng ưu đãi trong thủ tục xuất khẩu.

Hôm 24/7, Bộ trưởng Công nghiệp Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo khẳng định đây là vấn đề nghiêm trọng làm lung lay nền tảng quan hệ đối tác kinh tế giữa 2 nước và hợp tác an ninh Đông Bắc Á. 

hang nhat

Các cửa hàng ở Hàn Quốc dán biển hiệu tẩy chay hàng hóa Nhật Bản (Ảnh: AP) 

"Việc loại bỏ Hàn Quốc khỏi 'Danh sách trắng' trái với quy tắc quốc tế. Chúng tôi lo lắng tác động tiêu cực của nó đối với chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại tự do", ông Sung nói. 

Ở Tokyo, phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Yoshi DA Suga nói rằng quan hệ giữa 2 nước trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. 

Tổng thống Moon Jae-in hồi đầu tháng gọi các hạn chế thương mại mà Nhật Bản đưa ra là "tình trạng khẩn cấp chưa từng có", đồng thời cáo buộc Tokyo áp đặt chúng vì lợi ích chính trị. Ông cũng cảnh báo hàng chục giám đốc điều hành tới từ các công ty bao gồm Samsung, Huyndai và Lotte rằng cuộc chiến thương mại này có thể kéo dài trong thời gian tới. 

Hôm 12/7, quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản gặp nhau trong 5 giờ trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng nhưng không đạt được bất cứ bước đột phá nào. 

Tổng thống Trump cuối tuần trước ngỏ ý muốn giúp chấm dứt tình trạng bế tắc giữa 2 đồng minh nhưng Mỹ chưa có bước đi chính thức nào. 

Chủ xe, người uống bia, fan hâm mộ truyện tranh bị ảnh hưởng

Làn sóng tẩy chay hàng Nhật vẫn đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của Hàn Quốc. 

Đầu tháng 7, nhiều bình luận trên trang chủ Hiệp hội Trạm Xăng dầu Hàn Quốc kêu gọi các trạm xăng trên cả nước từ chối phục vụ khách hàng sử dụng ôtô Nhật. Ngày 19/7, hiệp hội các garage ôtô Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ không nhận sửa chữa xe Nhật.

cay xang

 Nhiều cây xăng Nhật từ chối bán xăng cho các khách hàng dùng các hãng xe Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng những vụ tẩy chay này sẽ chỉ gây hại cho Hàn Quốc chứ không phải chính phủ Nhật Bản. 

"Nạn nhân của các trạm xăng từ chối nạp nhiên liệu cho ô tô Nhật Bản không phải là chính phủ Nhật Bản mà là chủ sở hữu chiếc xe hơi đó. Khi mọi người không còn đổ xăng, nạn nhân cũng không phải là chính phủ Nhật Bản mà là chủ sở hữu các trạm xăng", hãng tin trực tuyến Hàn Quốc E Today bình luận. 

Người Hàn Quốc cũng mua ít bia Nhật hơn, đặt ít chuyến đi tới Nhật hơn và từ chối xem phim Nhật. 

Theo một quan chức cấp cao của ngành công nghiệp Hàn Quốc, hơn 23.000 cửa hàng bán lẻ tham gia vào cuộc tẩy chay hàng Nhật khởi phát từ ngày 26/7. 

Emart, thương hiệu bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc dù không tham gia vào làn sóng này nhưng doanh số bán bia Nhật Bản của hãng từ 1/7 đến 18/7 vẫn giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Các hãng bia nổi tiếng của Nhật như Asahi, Kirin hay Sapporo đều buộc phải ngừng các chương trình quảng cáo trên truyền hình. 

Một số công ty Nhật khác chọn cách thu mình giữa cơn bão dữ. Sony hủy sự kiện công bố mẫu tai nghe không dây mới. Nissan Motor cũng cho ngừng sự kiện lái thử chiếc xe Altima mui trần được xuất xưởng trong tháng này. 

Tác động của cuộc tẩy chay cũng lan mạnh tới các ngành dịch vụ, giải trí. 

"Thám tử Butt", bộ phim hoạt hình Nhật Bản dựa trên loạt phim nổi tiếng của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi ra rạp đúng vào thời điểm này. Nhiều người để lại phản ứng tiêu cực và kêu gọi những người khác không nên đi xem phim. 

Hãng hàng không Eastar Jet đang lên kế hoạch tạm dừng các chuyến bay Busan-Sapporo và Busan-Osaka bắt đầu vào tháng Chín. Hãng hàng không giá rẻ T'way Air đang giảm dần các chuyến bay giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cho đến tháng 10. 

Với tình hình như hiện nay, không thể đoán định làn sóng tẩy chay này khi nào mới chấm dứt. Năm 2013, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng từng leo thang căng thẳng sau khi tỉnh Shimane của Nhật Bản tổ chức sự kiện thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với hai đảo thuộc quần đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima). Cuộc đối đầu giữa 2 nước khi đó kéo dài không lâu. Nhưng các nhà quan sát cho rằng nếu Tokyo thực sự đẩy Seoul ra khỏi "Danh sách Trắng" như họ đe dọa, đó sẽ là mồi lửa thiêu rụi mọi thứ.

Tuần trước, một người đàn ông Hàn Quốc 78 tuổi thiệt mạng sau khi tự thiêu bên ngoài Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Trước khi chết, người này nói rằng ông làm vậy vì muốn chống lại sự thù địch của Nhật Bản. 

"Làn sóng tẩy chay sẽ làm dấy lên cơn thịnh nộ ở cả 2 quốc gia, cuối cùng các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải gánh chịu hậu quả", ông Eom Chi-sung, một quan chức tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cho biết. 

Theo ông Eom, điều cần làm lúc này là bình tĩnh xem xét lại vấn đề và đảm bảo các vấn đề chính trị không ảnh hưởng tới kinh tế. 

Người Nhật Bản giữa cơn sóng tẩy chay ở Hàn Quốc

Nhiều người Nhật Bản đang có những tháng ngày khó khăn khi người dân Hàn Quốc theo đuổi làn sóng "bài Nhật". 

bieu tinh 3

Đám đông biểu tình ở thành phố Suwon kêu gọi Nhật dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu. (Ảnh: EPA)

Aya Yanagishima, giáo viên Nhật Bản đang sống ở Seoul nói rằng cô phải tránh nói về quê hương của mình vì sợ bị phân biệt đối xử. Nhưng những đứa trẻ tại trường tiểu học cô đang theo dạy yêu cầu cô, cha mẹ cô phải xin lỗi. Một số thậm chí còn nói tổ tiên Yanagishima là rác rưởi và yêu cầu cô chuyển lời tới Thủ tướng Abe Shinzo rằng ông phải xin lỗi Hàn Quốc. Yanagishima nói cô đau lòng khi nhận những phản hồi đó từ những đứa trẻ mới chỉ 6-12 tuổi. 

Saito Himiko, 31 tuổi chuyển tới sống ở Hàn Quốc 6 tháng trước cùng chồng. Cô cố gắng nói nhiều tiếng Hàn nhất có thể và đọc các tờ báo địa phương để theo dõi quan điểm của người Hàn.

Gần 61.000 người Nhật đang sống ở Hàn Quốc. Cũng như Yanagishima hay Himiko, họ nhận thức sâu sắc được tình hình căng thẳng hiện tại. 

Choi Hee-man, một nhân viên bảo vệ ở Paju, cách Seoul hơn 1 giờ chạy xe nói ông sẽ không bao giờ đáp lời nếu bất cứ người Nhật nào xin trợ giúp. 

"Chúng tôi nên đối xử với họ như cách mà họ đối xử với chúng tôi. Mọi người ở độ tuổi của tôi đều không thích Nhật Bản", người đàn ông 69 tuổi cho hay. 

Năm 1910 đánh dấu những xích mích đầu tiên giữa Nhật Bản và Hàn Quộc khi Tokyo đem quân sang chiếm đóng bán đảo Triều Tiên và cai trị cho tới năm 1945.

Trong Thế chiến II, hàng nghìn người Hàn Quốc bị cưỡng chế lao động hoặc phục dịch quân đội Nhật Bản.

Mặc dù Tokyo và Seoul bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965, mối quan hệ giữa 2 nước vẫn âm ỉ căng thẳng.

Năm 2018, một tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời Thế chiến 2. Tuy nhiên, tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries từ chối tuân thủ phán quyết này.

Chính phủ Nhật Bản khẳng định hiệp ước ký kết năm 1965 giữa 2 nước đã giải quyết tất các các khoản nợ từ thời thuộc địa trong khi nhiều người Hàn Quốc nói rằng họ không có lựa chọn khác vào thời điểm đó và đây là lúc Tokyo phải bồi thường vì hành động của mình.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn