Doanh nghiệp khó khăn, tiêu chí hỗ trợ khắt khe
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Để hỗ trợ để doanh nghiệp hồi sinh trong tình hình “bình thường mới”, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ vay vốn tín dụng, giảm thuế,...
Điều đáng nói, “cho đến quý II hầu như tất cả các doanh nghiệp đều chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào do nhiều tiêu chí khắt khe, điều kiện phức tạp. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi là họ sẽ phá sản vì không thể tiếp cận được nguồn tín dụng này” - ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế đã chia sẻ tại Hội nghị “Bàn về giải pháp hoạt động khoa học và công nghệ điển hình sáng tạo hậu COVID-19” diễn ra vào 13/10 tại TP.HCM.
Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã giảm 50% các loại lệ phí sở hữu công nghiệp khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2020, hỗ trợ 100% các chi phí truy xuất nguồn gốc cho container đầu tiên của doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc.
Đối với lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN cũng đang miễn phí đăng ký các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn TCVN, tiêu chuẩn quốc tế… cho các lĩnh vực thiết bị y tế.
Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết: “Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng văn bản về ưu đãi cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, thiết kế các gói vay dựa theo nhu cầu thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp phải “tự cứu lấy mình”
Dù luôn có sự hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ KH&CN nhưng doanh nghiệp muốn “vực dậy” và “nảy mầm sau bão” thì buộc phải nỗ lực nhiều hơn và có định hướng phát triển đúng đắn.
Điển hình như đã có nhiều doanh nghiệp biết cách “hoà nhập với hoàn cảnh”, tạo ra sản phẩm mới tạo nên tên tuổi cho thương hiệu, chứng tỏ COVID-19 không chỉ mang đến khó khăn mà còn là thách thức và cơ hội để doanh nghiệp sáng tạo.
Tại hội nghị, ông Trần Giang Khuê, Quyền trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM chia sẻ: “Có rất nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới để phục vụ cho tình hình dịch như chế tạo ra bộ kit thử nghiệm, robot phục vụ trong y tế hay đẩy mạnh sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Theo ông Khuê, để sáng tạo một cách khoa học doanh nghiệp cần phải khai thác tri thức sẵn có, tận dụng những cái mà thế giới đã có và tránh nghiên cứu trùng lặp. Đặc biệt trong thời gian “chạy đua” hậu “sóng gió” và thì doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng thương hiệu – nhân hiệu.
Nhắc đến thương hiệu, ông Khuê nói thêm: “Nói một cách dễ hiểu, thương hiệu chính là “hiệu” được người dùng “thương””. Vì vậy, để được người dùng yêu thương thì doanh nghiệp phải thật sáng tạo, thật khác biệt nhưng phải chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Khuê luôn nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động KHCN và sáng tạo của doanh nghiệp trong thời đại 4.0 với tốc độ đào thải kinh khủng: “Nếu trước đây trung bình 5 năm công nghệ sẽ thay đổi một lần thì bây giờ công nghệ thay đổi theo ngày”.
Đồng quan điểm về ứng dựng KHCN vào kinh doanh, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nên thành lập Hiệp hội KHCN ở từng địa phương để cùng nhau hỗ trợ phát triển, khắc phục những hạn chế về nhân lực, nguyên liệu của cá nhân từng doanh nghiệp; tăng cường chuyển đổi số; áp dụng ứng dụng mới vào sản xuất, kinh doanh và quản lý.
Tính riêng đến quý II, người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp lên đến 1,3 triệu người. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay, hơn 38.000 doanh nghiệp đã đăng ký tạm dừng kinh doanh, GDP rơi vào tình trạng “tụt dốc không phanh” khi chỉ đạt 2,12% thấp nhất trong một thập kỉ gần đây.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng nhận định, hiện nay, lượng phát minh, sáng chế của Việt Nam chỉ khoảng hơn 1.000, trong khi Facebook sở hữu hơn 1.400 phát minh, sáng chế.
Bình luận