• Zalo

Muốn 'bán’ sân bay, cao tốc cho tư nhân phải hỏi ý kiến dân

Thời sựThứ Hai, 23/03/2015 12:15:00 +07:00Google News

TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc ‘bán’ nhà ga, cảng biển, đường cao tốc cho tư nhân cần phải đưa ra lấy ý kiến người dân.

(VTC News) – TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc ‘bán’ nhà ga, cảng biển, đường cao tốc cho tư nhân cần phải đưa ra lấy ý kiến người dân bởi đó là công trình phục vụ cho số đông người dân.

Mới đây, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air tiếp tục gửi văn bản lần thứ 2 đề xuất Bộ GTVT cho phép nhượng quyền khai thác toàn bộ nhà ga T1-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Việc các doanh nghiệp tư nhân liên tục đề xuất được khai thác cơ sở hạ tầng (CSHT) giao thông lớn như sân bay, đường cao tốc, cảng biển gần đây cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này và sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên từ chủ trương đến thực tế vẫn còn vướng mắc bởi đây đều là những trường hợp chưa từng có tiền lệ trong quản lý, điều hành nền kinh tế.

Phóng viên VTC News đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

TS. Nguyễn Đức Kiên 
- Ông bình luận gì trước xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất Bộ GTVT cho phép nhượng quyền khai nhà ga, bến cảng, đường cao tốc... vốn trước nay chỉ là lĩnh vực ‘độc quyền’ của nhà nước?

Trước tiên phải khẳng định đây là xu hướng phù hợp, cần khuyến khích phát triển. Chúng ta đã đặt vấn đề nhượng quyền khai thác các DNNN từ những năm 90, đó là khi có nghị định giao, bán, khoán, cho thuê DNNN, nhưng mới chỉ áp dụng ở những doanh nghiệp nhỏ, không liên quan đến quốc phòng an ninh.

Đến thời điểm này, khi đất nước đổi mới được 30 năm rồi, tất cả cơ sở vật chất điều kiện đã thay đổi, chúng ta tiến lên một bước thực hiện bán quyền khai thác những cơ sở lớn, có liên quan tới vấn đề quốc phòng an ninh.

Cần phải nhìn nhận đây là tiến bộ trong cả nhận thức xã hội lẫn hệ thống điều hành nền kinh tế, chứng minh công cuộc đổi mới đã có thành tựu nhất định thì nhà đầu tư mới quan tâm tới các lĩnh vực này.

Vấn đề đặt ra là chúng ta chưa bao giờ có tiền lệ về công tác quản lý nhà nước đối với một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt lại liên quan đến quốc phòng an ninh. Vướng mắc chỉ là ở chỗ đó mà thôi.

- Có nhiều ý kiến lo ngại khi cho tư nhân tham gia khai thác có thể chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình hạ tầng này. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tất cả lo toan này theo tôi là có lý do nhưng có lẽ chưa phù hợp với tình hình thực tế. Để tăng cường sự đồng thuận trong quá trình thực hiện cần phải công khai các điều kiện nhượng quyền khai thác và có sự giám sát của xã hội phù hợp.

Ví như trường hợp cổ phần hóa một số bến cảng, kể cả khi cổ phần hóa xong, doanh nghiệp nắm quyền chi phối, thì theo Luật Đất đai 2013 anh chuyển mục đích sử dụng đất phải được nhà nước chấp thuận.

Nhà nước cấp cho doanh nghiệp mặt nước đó, mặt đất đó để doanh nghiệp làm việc này, còn khi doanh nghiệp không làm nhiệm vụ này nữa thì nhà nước thu hồi lại. Mục đích sử dụng miếng đất đã được luật hóa.
Sảnh E Nhà ga T1 đưa vào hoạt động năm 2013, được thiết kế phục vụ 3 triệu lượt khách mỗi năm 

- Thực tế, việc nhượng quyền khai thác các CSHT lớn như ông nói là chưa từng có trong tiền lệ. Liệu để đẩy nhanh, có cần quyết định từ cấp cao nhất?

Hiện nay Bộ GTVT làm từ quyết định về chủ trương cho đến triển khai. Tuy nhiên cần đặt trong bối cảnh các văn bản pháp lý chưa hoàn thiện. Vậy nhiệm vụ của Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước là phải đặt bối cảnh chuyển nhượng ấy vào nhiệm vụ thực hiện Hiến pháp, và nếu có gì bất cập thì báo cáo với Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để sửa.

Chúng ta đồng ý về mặt chủ trương để các đơn vị đang quản lý có phương án. Và khi họ có phương án thì họ phải lấy ý kiến, góp ý của xã hội, của các chuyên gia tư vấn, xem vướng về mặt pháp lý thì sẽ từng bước tháo gỡ.

 

Vì đây là những công trình phục vụ cho số đông người dân cho nên phải có ý kiến của nhân dân thông qua góp ý trực tiếp hay qua các hiệp hội, mặt trận tổ quốc…

 
Đặc biệt, vì đây là công trình phục vụ cho số đông người dân cho nên phải có ý kiến của nhân dân thông qua góp ý trực tiếp hay qua các hiệp hội, mặt trận tổ quốc…

- Liệu đây có phải là những trường hợp điển hình để chúng ta định hình vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế, thưa ông?

Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong nhận thức, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trước đây chúng cứ nghĩ rằng sân bay, cảng biển, đường cao tốc… bất di bất dịch là của nhà nước.

Tới giờ chúng ta tiến lên một nhận thức mới, đó là khai thác hạ tầng các công trình này là vai trò của doanh nghiệp, còn quản lý về xuất nhập cảnh, an ninh quốc phòng, thuế… là trách nhiệm của nhà nước.

Trên mặt bằng đó chúng ta thấy rằng đã có sự tách bạch vai trò nhiệm vụ. Hiểu rộng ra thì thấy tư duy kinh tế nhà nước chủ đạo là ở chỗ này. Tức là nhà nước bỏ tiền ra đầu tư các CSHT và giao lại cho các doanh nghiệp khai thác nhưng tài sản đó vẫn là của nhà nước, các vấn đề đảm bảo quốc phòng an ninh vẫn do các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm. Chứ không phải như ngày xưa ta tư duy, chủ đạo tức là bỏ tiền ra xây dựng xong làm cả khai thác luôn.

Vậy thì ví dụ về nhượng quyền khai thác các công trình vừa qua là minh chứng rõ ràng giữa yêu cầu của xã hội phát triển với nhận thức của cơ quan quản lý đã gần chạm đến nhau, cho nên nó sẽ có động lực mới cho sự phát triển.

Video ngày đầu sử dụng nhà ga T2 Nội Bài  

- Xét riêng trường hợp của Vietjet Air, nhiều ý kiến cho rằng trong cuộc chạy đua xin nhượng quyền khai thác nhà ga T1, lợi thế có vẻ nghiêng về Vietnam Airline (VNA) vì đây là doanh nghiệp lớn, có tiềm lực hơn hẳn. Ông đánh giá sao về trường hợp này?

Chúng ta phải nhìn nhận đây là cuộc đua về tiềm lực kinh tế, khả năng khai thác. Trong cuộc chạy đua này bất kì, anh nào cũng bình đẳng.

 

Giờ phải xem anh khai thác làm gì, xã hội được lợi gì từ việc anh khai thác như thế? Anh còn ít kinh nghiệm, anh khai thác cầu cảng làm gì? anh mua xong ai làm? Cả xã hội này lại phải trả tiền học phí cho anh à?

 
Tuy nhiên, bài toán ở đây là doanh nghiệp nào làm nhượng quyền, được nhận nhượng quyền thì có lợi nhất cho đất nước thì chúng ta làm, không phân biệt nó là Vietjet Air hay Pacific hay Vasco. Ai quản lý tốt nhất thì làm. Như vậy nếu có thể thì liệu cơm mà gắp mắm.

Vietjet Air hiện đang khai thác sảnh E sao không nhượng quyền sảnh E ấy đi? Sao phải sang sảnh A hay B làm gì, khi mà VNA đang khai thác? Nếu bảo do trình độ thì sang làm nhà T2 đi, vừa có VNA, China Air, Thai Air… sang đó mua đi.

Tôi cho rằng ở đây vẫn còn trạng thái lợi dụng cơ chế của nhà nước để mua xong quay ra ép giá các nhà khai thác dịch vụ khác. Tư duy ở đây như thế chứ không phải là vì phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp đó, vì lợi ích của hành khách, mà đây nó vì vấn đề lợi nhuận.

Phải đặt vấn đề Vietjet Air hiện nay có bao nhiêu máy bay, khai thác cái gì? Hiện nay khai thác sảnh E nhà T1, có thừa năng lực không? Nếu giờ bảo không, T1 là quốc nội, muốn bay quốc tế sang T2, thế thì Vietjet Air mua thêm 10 cái cửa ở T1 làm gì? Phải chăng là anh lợi dụng cơ chế hiện nay để quay trở lại áp VNA? Đây chính là hiện tượng cá bé rỉa cá lớn, lợi dụng cơ chế.

Giờ phải xem anh khai thác làm gì, và cuối cùng xã hội được lợi gì từ việc anh khai thác như thế? Anh là đơn vị ít kinh nghiệm, anh khai thác cầu cảng làm gì. anh mua xong ai làm? Cả xã hội này lại phải trả tiền học phí cho anh à?

Trong nền kinh tế thị trường, tôi bán cho để anh khai thác thì tôi bán vừa lực của anh, bán cho anh sảnh E. Còn nếu anh muốn phát triển nữa thì còn Phú Yên, Đà Nẵng, một mình một sân bay đó, anh vào đó mà mua đi, Hải Phòng, giờ đang đầu tư đó, xuống đầu tư đi. Đừng có tâm lý ‘ăn sẵn’ như thế.

Xin cảm ơn ông!

Lan Uyên(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn