Hanamura Maria, nhân viên bán thời gian tại một siêu thị ở Tokyo, phàn nàn về mùi hôi tỏa ra từ một nhân viên nam trẻ tuổi. "Không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp đếu cảm thấy khó chịu khi mùi cơ thế của anh ấy lan tỏa trong không khí như nào. Sẽ ngột ngạt hơn khi mưa đang đến".
Truyền thông Nhật Bản gọi đây là "sume-hara", nghĩa là "quấy rối mùi". Ngoài mùi hôi cơ thể, định nghĩa này bao gồm cả mùi hơi thở, mùi nước hoa hay nước xả vải quá nồng, mùi vật nuôi, khói thuốc lá cũng như mùi của người già.
Không giống như các hình thức quấy rối công khai khác tại nơi làm việc, không có hậu quả pháp lý nào đối với "quấy rối mùi". Tuy nhiên, mùi cơ thể được cho là gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và sức khỏe của nhân viên, thậm chí nguy cơ khiến nhân viên nghỉ việc.
Trên một diễn đàn thảo luận của tờ Yomiuri Shimbun, một độc giả để lại bình luận xin lời khuyên sau khi một người đàn ông khoảng 40 tuổi có “mùi cơ thể khủng khiếp” chuyển đến nơi làm việc của cô. “Mùi hôi từ người đàn ông này gây ra đau đầu và buồn nôn, và nhiều đồng nghiệp của tôi trở về trong tình trạng choáng váng, thậm chí một số còn nói rằng họ muốn bỏ việc”.
Các công ty cũng đau đầu bởi xử lý các vấn đề tế nhị như vậy không dễ dàng. Trên thực tế, những người có các mùi cơ thể thường không có chủ đích khiến người xung quanh khó chịu, cũng không nhận thức được bản thân đang bốc mùi. Các tình trạng bệnh lý như chứng hôi miệng có thể là nguyên nhân và cũng không thể trách một người lớn tuổi vì mùi cơ thể liên quan đến tuổi già.
Chuyên gia về nghi thức và giao tiếp Higuchi Chikako khuyên các công ty nên kết hợp nhận thức về quấy rối bằng mùi vào các buổi đào tạo nhân viên. Điều này bao gồm việc xác định mùi nào ảnh hưởng đến người khác và cách cải thiện vệ sinh cá nhân.
Nhà tư vấn bảo hiểm xã hội Minoda Shingo khuyến nghị các công ty có thể soạn những quy định riêng chống lại "quấy rối mùi", khảo sát nhân viên để nắm bắt tình hình, lắp đặt máy lọc không khí và nâng cấp hệ thống thông gió để giảm thiểu mùi hôi.
"Quấy rối mùi có thể làm gián đoạn tinh thần đồng đội và dẫn đến mất tinh thần làm việc, hiệu suất công việc giảm sút. Những người bị làm phiền cũng nên lên tiếng và các biện pháp đối phó tại nơi làm việc là cần thiết”, ông Minoda cho hay.
Những người đàn ông trung niên và lớn tuổi thường xuyên phải hứng chịu những lời chỉ trích "sau lưng" nơi công sở vì mùi hôi cơ thể.
Mandom Corp, công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân cho nam giới, đã thành lập một nhóm đến thăm các công ty để tư vấn về nghi thức sử dụng mùi hương cũng như cách xử lý mùi cơ thể và da nhờn, trong bối cảnh mối lo ngại của giới nhân viên văn phòng tăng lên khi Nhật Bản khi sắp bước vào những tháng hè nóng bức và ẩm ướt.
Bình luận