Bí quyết truyền đời của dòng họ Thân
Xưa nay, người ta chỉ biết nhiều đến nhân sâm Triều Tiên, Hàn Quốc chứ ít ai biết trong thung lũng đất thiêng Núi Dành đã sản sinh ra loại sâm quý tiến vua. Ông Đăng - người sở hữu gốc sâm khổng lồ cho biết, cây sâm Nam trong vườn nhà là gốc duy nhất có tuổi đời trên trăm năm, ở đây giờ tìm ra giống thảo dược này thực sự khó vì phần lớn đã tuyệt chủng.
Vừa đi ông Đăng vừa bật mí về bí quyết truyền đời của dòng họ Thân: "Sâm Nam núi Dành thuộc họ dây leo nên việc nhân giống là vô cùng khó khăn. Rất nhiều người đã thử qua các cách khác nhau để nhân giống chúng nhưng không thành công. Hiện tại, để bảo tồn và phát triển loại thảo dược này, ông Đăng vẫn phải làm theo cách thủ công của riêng mình".
Củ sâm sinh trưởng rất chậm, ban đầu nó nhỏ bằng chiếc đũa và gần như chỉ phát triển về chiều dài, để đạt kích thước tăng gấp đôi ít nhất phải đợi sau 10 năm. Ông Đăng cũng tiết lộ thêm, các cụ xưa phân sâm Nam núi Dành làm 2 loại là sâm năm lá và sâm ba lá, sâm năm lá có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Hiện ông Đăng đang sở hữu gốc sâm năm lá khổng lồ có tuổi đời hơn 1 thế kỷ.
Dùng tay bới nắm đất để lộ một phần củ sâm, ông Đăng chỉ tay vào củ rồi nói tiếp: "Do mọc trong vùng đất trên núi cao nên sâm có lớp vỏ ngoài rất cứng để bảo vệ phần ruột cực quý của chúng. Phần ruột sâm Nam màu vàng nhạt, có vị ngọt thanh mát, thơm dịu. Tuổi thọ của sâm sẽ quyết định sắc vàng của nó, sâm càng già tuổi thì độ vàng óng càng cao".
Ông Đăng cho biết thêm, cây sâm phải có tuổi thọ từ 10 năm trở lên mới đem lại chất lượng tốt. Sâm Nam núi Dành tồn tại hơn ngàn năm trên vùng núi này. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, từng có thời gian sâm Nam bị khai thác tận diệt nên gần như người dân không còn nhìn thấy loài thảo dược quý hiếm này nữa.
Ở vùng này, trước đây, người ta gần như chỉ nghe qua câu chuyện về sâm Nam núi Dành được cung tiến để chữa lòa mắt cho mẹ vua Tự Đức chứ ít ai được tận mắt chứng kiến. Thế nhưng, từ khi mắt thấy, tay sờ gốc sâm nhà ông Đăng, mọi người bắt đầu tin vào việc cây sâm Nam thực sự mọc ở đây.
Với người dân trong vùng, sâm Nam được xem như một loại thảo dược vô cùng quý giá. Nếu nhà nào có trong tủ một lọ sâm Nam núi Dành thì xem như có bùa hộ mệnh trong nhà vì loại cây này hỗ trợ điều trị rất tốt một số bệnh tật.
Mong manh hy vọng hồi sinh thần dược quý
Kể về những tháng ngày khổ ải ăn ngủ cùng sâm, ông Đăng nói: "Có thời gian ăn ngủ cùng cây sâm để tìm mọi cách để tăng năng suất nhân giống cho thảo dược này nhưng hiệu quả vẫn không cao".
Sau bao năm trăn trở, tìm mọi cách để nhân giống cây sâm, người đàn ông vẫn chỉ loay hoay với cách làm thủ công để nhân giống theo từng cây trồng. Mỗi khi dây sâm dài chừng một gang tay thì sinh thêm một đốt, đốt ấy sẽ đâm xuống đất mọc rễ rồi sau một vài năm sẽ hình thành nên củ sâm ban đầu.
Ông cho biết, việc nhân giống như cách đang áp dụng rất hạn chế, phải đợi vài năm khi rễ cây đã hình thành sinh trưởng một thời gian mới có thể sinh trưởng tốt.
Để bảo tồn giống sâm này, từ năm 2009, ông Trần Đình Dũng (Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường huyện Tân Yên, Bắc Giang) biết thông tin nên đã về thực địa, khảo sát tình hình, nói cho ông Đăng biết về tác dụng cũng như tầm quan trọng của giống sâm quý này.
"Nhớ lại thời điểm cách đây chừng 6 năm, trong một lần làm vườn tôi vô tình đào được củ sâm to như củ sắn, phân thành hai nhánh chính dài như sừng nai. Củ sâm to như vậy ngay cả trong tự nhiên cũng cực kỳ hiếm gặp.
Khi biết gốc sâm cổ thụ của gia đình dưới chân núi Dành, ông Dũng đã tìm đến nhưng sau khi thấy cây sâm trơ trụi lá, ông ấy không đáp một lời. Một lúc sau ông Đăng mới phân trần:
“Do gia đình nhốt gà trong khu vực trồng cây sâm nên đã để gà ăn hết lá. Chẳng hiểu thứ lá đó có gì ngon mà đàn gà thích ăn đến vậy”.
Sau đó ít lâu, một tấm lưới quây được phát cho ông Đăng để rào những gốc sâm quý lại, đồng thời dự án bảo tồn sâm Nam núi Dành được thành lập trên địa phận hai xã Việt Lập, Liên Chung (Tân Yên, Bắc Giang). Những củ sâm của ông Đăng được đem đi lấy mẫu phân tích độc lập rồi đưa đi triển lãm tại một số hội chợ.
Người dân trong vùng biết chuyện ông Đăng sở hữu gốc sâm hơn trăm năm tuổi nên kéo đến xin về sắc thuốc uống khiến cho loại thảo dược này đã hiếm lại càng cạn kiệt.
Ông Đăng cho biết thêm: "Hồi tháng 4/2016 vừa rồi, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã về lấy mẫu để tiến hành nghiên cứu, nuôi cấy trong môi trường nhân tạo nhằm nhân giống.
Hiện tại, bước đầu nhân giống đem lại những tín hiệu đáng mừng. Ở làng Hậu (xã Liên Chung) đã có 100 gốc sâm loại 3 lá, tại làng Đồng Sen, (xã Việt Lập) có khoảng 600 gốc sâm 5 lá. Sâm Nam sinh trưởng tốt, khả năng nhân rộng mô hình để phát triển du lịch sinh thái là dấu hiệu đáng mừng với người dân trong vùng".
Tuy nhiên, điều khiến ông trằn trọc mỗi đêm là cho đến nay vẫn chưa có một công trình khoa học cụ thể nào nghiên cứu tác dụng cũng như thành phần của sâm Nam núi Dành. Công dụng của nó mới chỉ được thể hiện qua truyền miệng từ một bộ phận người dân địa phương đã được dùng.
Thực tế cũng cho thấy rằng từ xa xưa, người dân trong vùng đã biết dùng sâm để bổ sung dinh dưỡng, điều trị ốm đau cho người thân trong gia đình.
Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của ông Đăng và người dân trong vùng là hy vọng cơ quan chức năng có thẩm quyền đến nghiên cứu để đánh giá một cách thực tế về công dụng của loại thảo dược quý hiếm này, từ đó có bước định hướng đầu tư đúng để cải thiện đời sống nhân dân trong vùng.
Nguồn:Trí Kiên (Đời sống Việt Nam)
Bình luận