• Zalo

Mục sở thị nghề 'sinh' ông Táo

Thời sựThứ Hai, 01/02/2016 12:10:00 +07:00Google News

Những ngày cận tết làng Địa Linh lại nhộn nhịp với tiếng gõ cốc cốc, mùi đất nung trong lò từ những gia đình chuyên nghề làm tượng ông Táo.

(VTC News) - Hàng năm, cứ đến những ngày cận Tết, khắp làng Địa Linh (Thừa Thiên - Huế) lại vang lên tiếng đục đục gõ gõ và ngào ngạt mùi đất nung trong lò.

Từ nhiều năm nay, làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã nổi tiếng khắp đất cố đô với danh làng “sinh” ông Táo phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của dân bản xứ dịp 23 tháng Chạp.

“Nghề làm giàu cho người ta”

Đó là câu nói tếu của chị Nguyễn Thị Thùy Linh (23 tuổi) khi chia sẻ với PV VTC News về khó khăn của  những người làm nghề "sinh" ông Táo ở làng Địa Linh.

Theo chị Linh, dù ở chợ một bức tượng ông Táo bán cho người dân với giá 4.000 - 5.000 đồng, có khi lên tới 7.000 đồng thì những người làm nghề đúc tượng như gia đình chị cũng không kiếm được nhiều tiền từ công việc này bởi giá đổ buôn cho các thương lái chỉ khoảng 500 - 2.000 đồng/ bức. Làm chăm chỉ cả ngày thì tiền công cũng chỉ ở mức 100.000 đồng/ngày.

Nghề làm tượng Táo đất vất vả nhưng thu nhập thấp.
Nghề làm tượng Táo đất vất vả nhưng thu nhập thấp.
Anh Danh (32 tuổi, chồng chị Linh) cho biết thêm: “Có dì ở chợ Đông Ba, dịp cuối năm kinh doanh tượng ông Táo ngoài chi tiêu trong gia đình còn dư tiền sắm được chiếc xe máy Honda Air Blade nữa, còn người làm ra tượng ông Táo như mình chỉ đủ sống thôi".

Dù vất vả là vậy nhưng bao năm qua, cứ mỗi dịp gần ngày 23 tháng Chạp là dọc hai vệ đường gần khu phố cổ Bao Vinh, những tấm ván đầy tượng ông Táo lại được người dân bày ra phơi trước khi cho vào nung ở lò gạch.

Để làm tượng ông Táo phục vụ  ngày lễ "ông Công ông Táo", người làng Địa Linh phải chuẩn bị đất sét từ tháng 3 âm lịch. Đất này có thể lấy từ cánh đồng màu mỡ phía sau làng hoặc mua ở Nam Thanh (TX Hương Trà) rồi nhào nặn kỹ cho thật dẻo.

Đến tháng 10 âm lịch là ở khắp làng bắt đầu vang lên tiếng đục đục gõ gõ, có những năm khách đặt sớm thì tháng 9 âm lịch đã có nhà bắt đầu mang đất ra đúc, nung.
Làm tượng ông Táo khó nhất là khâu làm đất và đúc.
Làm tượng ông Táo khó nhất là khâu làm đất và đúc.
Theo anh Danh, nghề làm tượng ông Táo quan trọng và vất vả nhất là khâu làm đất sét và đúc.

"Phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất nhào cho đến khi đất chín mới thôi. Khi nhồi đất vào khuôn đúc phải ép thật chặt nếu không sau này tượng sẽ bị méo", anh Danh tiết lộ.

Khuôn gỗ để tạo hình tượng ông Táo hai năm thay một lần, được làm từ gỗ lim đã chạm đục lõm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau.

Khi lấy tượng khỏi khuôn thì đặt xuống mặt phẳng bằng gạch đỏ để tượng rút bớt nước rồi đem phơi nắng khoảng một buổi trước khi cho vào lò nung.

Ông Võ Văn Nam, người có 30 năm trong nghề làm tượng Táo đất cho biết: “Xếp tượng vào lò nung rất quan trọng, hơn 1.000 tượng phải sắp xếp thành từng hàng, nhiều lớp trên dưới xen kẽ, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa cháy đều, tránh việc nổ hoặc vỡ nát trong 3 ngày nung. Nếu tượng bị lệch phải chêm miếng đất vào dưới tượng để tránh bị sụp".

Tượng nung xong được người dân vẽ bằng màu rồi rắc bột kim tuyến để trông bắt mắt hơn. Công đoạn này phải đến gần ngày 23 tháng Chạp mới bắt đầu được thực hiện để phù hợp với thị hiếu người mua.

Tượng ông Táo thành phẩm sẽ được xếp vào những hộp mì tôm để đem bán. Mỗi hộp có khoảng 120 tượng ông Táo (20 tượng dùng để khấu hao vỡ, bể khi vận chuyển – PV) và được bán buôn với giá 40.000 – 50.000/hộp. Các tượng ông Táo không chỉ cung ứng cho thị trường Thừa Thiên - Huế mà còn vào cả Sài Gòn, Bình Phước…


Gian nan giữ nghề "sinh" ông Táo

Nghề làm tượng Táo đất ở Huế xưa nổi tiếng ở hai làng Địa Linh và làng Sình. Tuy nhiên, sau này chỉ còn làng Địa Linh giữ nghề còn làng Sình từ lâu đã chuyển sang làm áo ông Táo.

Ông Trương Văn Lợi (52 tuổi), trưởng thôn Địa Linh cho biết: “Mấy trăm năm trước làng Địa Linh nổi tiếng với nghề nung đất, trong đó có nghề sản xuất gạch và nghề làm tượng ông Táo. Sau này, dân cư đông đúc, nghề gạch bị cấm sản xuất do ô nhiễm môi trường, giờ chỉ còn nghề làm ông Táo”.
.
Ông Võ Văn Dực (60 tuổi) người đã có 40 năm làm nghề Táo đất chia sẻ: “Hiện nay nghề làm tượng Táo đất càng ngày càng ít người theo. Công việc vất vả, thức khuya dậy sớm mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nên giờ số gia đình làm tượng ông Táo chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Những sản phẩm táo Đất ở làng Địa Linh.
Những sản phẩm táo Đất ở làng Địa Linh.
Lý giải về việc này, nhà nghiên cứu văn hoá Huế - Trần Đại Vinh cho rằng, phong tục tập quán lâu đời của người Huế là ngoài coi trọng bàn thờ tổ tiên và cửa ngõ thì giá trị phong thủy của bếp núc cũng rất quan trọng. Cả ba yếu tố tổng hợp lại sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn cho gia đình.

Ông Táo thờ hết một năm cần phải mua ông mới nên nghề làm ông Táo vẫn chưa bị thất truyền, dù để gắn bó với nghề thì vô cùng khó khăn. Nhiều gia đình còn đang bám trụ với nghề cũng bởi muốn lưu giữ lại nét văn hoá truyền thống ông cha bao đời trước để lại.

Video: Sự tích ông Công, ông Táo




Nguyễn Vương – Tuấn Hiệp

Bình luận
vtcnews.vn