Video: Ngắm cổ tự hơn 400 tuổi có quả chuông là bảo vật quốc gia ở cố đô Huế
Chùa Thiên Mụ được xây dựng năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng trên đồi Hà Khê có mặt hướng ra sông Hương nay thuộc phường Kim Long (TP Huế). Đây là ngôi chùa được đánh giá là đệ nhất cổ tự của cố đố Huế. Vẻ đẹp của chùa Thiên Mụ cũng được xếp vào “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh” - nghĩa là hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh. (Ảnh: Nguyễn Luân).
Tương truyền, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa, trong lần rong ruổi cưỡi ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn thì bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Ngọn đồi có tên Hà Khê. Dân địa phương nói nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, đồi Hà Khê còn có tên Thiên Mụ Sơn. Tích này hợp với chí lớn của Chúa nên ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi Hà Khê và gọi là Thiên Mụ tự.
Nhắc đến chùa Thiên Mụ thì không thể không nhắc đến tháp Phước Duyên vì đây là công trình mang tính biểu tượng của chùa. Tháp cao 21 mét gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa Thiên Mụ vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Vào ban đêm các tầng của tháp Phước Duyên được bật sáng tạo nên một vẻ linh thiêng và huyền bí. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Ngoài ra, chùa Thiên Mụ hiện cũng là nơi lưu giữ chuông Đại Hồng Chung - một cổ vật được công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2013.
Chuông hiện được đặt trong một toà lục giác ngay gần tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ để phục vụ du khách tham quan.
Theo sử sách chép lại thì chuông Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được đúc vào năm 1710 được chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) pháp danh Hưng Long, truyền thừa đời thứ 30 của phái Tảo Động cúng dường Tam Bảo. Chuông nặng khoảng 1.986kg, cao khoảng 2,5 mét và đường kính miệng chuông khoảng 1,4 mét.
Những hoạ tiết, hoa văn và chữ viết trên thân chuông Đại Hồng Chung được chạm trổ sắc nét, hài hoà và tinh xảo với những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp.
Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ cũng được đánh giá là một trong những quả chuông lâu đời và nhiều giá trị ở cố đô Huế. Chuông cũng được các nhà nghiên cứu nhận định là mang giá trị cao về mỹ thuật trang trí cũng như các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng và đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII.
Mang trong mình nhiều giá trị lịch sử và văn hoá lại nằm ở vị thế đẹp nên chùa Thiên Mụ luôn nằm trong tốp đầu những địa danh nổi tiếng ở cố đô Huế được du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Bình luận