Sau khi mặc đi dự tiệc, chụp hình đăng tải, nhiều người tìm cách thanh lý váy, đầm trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Phương Lâm) |
Vài năm qua, Nghi Huỳnh (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) thanh lý thành công hơn 50 chiếc váy dạ tiệc thông qua mạng xã hội.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết trang cá nhân của mình có khá nhiều người theo dõi, thuận lợi cho việc bán hàng. Ngoài ra, hầu hết mẫu váy của cô đều thuộc thương hiệu tên tuổi hoặc là phiên bản giới hạn, đã dừng sản xuất, vì vậy dễ dàng "qua tay".
"Tôi làm việc tại một công ty mỹ phẩm, tính chất công việc đòi hỏi phải tham gia nhiều sự kiện với nhãn hàng, đối tác. Mỗi buổi tiệc, tôi đều sắm một chiếc váy mới để cảm thấy tự tin hơn", cô chia sẻ.
Váy chỉ mặc một lần
Trong tủ đồ cỡ lớn với 6 ngăn treo đồ, Nghi Huỳnh dành 1/3 diện tích để cất những chiếc đầm dạ tiệc dài thướt tha với đủ màu sắc và kiểu dáng.
Nghi Huỳnh thường mua trang phục theo gợi ý, review từ người nổi tiếng trên mạng xã hội. Thấy mẫu váy nào được thần tượng khen, cô sẽ tìm cách để sở hữu. Nhiều năm qua, cô không nhớ chính xác số tiền đầu tư vào váy áo.
"Nếu tính theo tháng, tôi ước tính mình tiêu khoảng 2-3 triệu đồng cho váy đi sự kiện chưa kể phụ kiện, đồ trang điểm", cô cho hay.
Tương tự, Thu Nguyễn (Hà Nội) cũng sở hữu hàng chục mẫu váy điệu đà, chỉ có thể mặc đi đám cưới, tiệc công ty mà không thể ứng dụng trong dịp thông thường nào khác.
Cô thường lựa chọn thiết kế từ các nhà tạo mẫu trong nước. Trong một số dịp đặc biệt, cô sẽ tìm đến một số mẫu váy từ thương hiệu đắt đỏ như Burberry, Gucci hoặc Louis Vuitton.
Tốn kém là thế, nhưng mỗi chiếc váy lại không được chủ nhân diện ra đường quá 2 lần.
"Tôi không muốn mặc lại các thiết kế này lần thứ 2 do đã chụp ảnh đăng mạng và bạn bè, người thân đều đã nhìn thấy", cô chia sẻ với Zing.
Chỉ đến khi nhận thấy váy, đầm đi sự kiện tốn một khoản lớn trong ngân sách dành cho làm đẹp, Thu Nguyễn mới quyết định nằm vùng trong các hội, nhóm thanh lý trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, cô thường không bán đồ của mình mà tìm mua những thiết kế vừa mắt được rao bán lại với giá phải chăng.
Thanh lý rồi lại mua mới
Tâm Thanh (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) thường xuyên mua váy, đầm đi tiệc đã qua sử dụng. Cô cho biết đó là cách mình xoay vòng các sản phẩm thời trang. Trong cộng đồng chuyên thanh lý váy, áo dạ tiệc trên mạng xã hội, cô là thành viên thân thiết, hoạt động sôi nổi.
"Đầm dạ tiệc có giá thành khá đắt đỏ, hơn nữa chỉ mặc được trong rất ít dịp. Con gái chúng tôi thông thường cũng ngại mặc lại một chiếc váy sau khi chụp hình. Việc mua đồ cũ, mặc một lần, bán lại rồi mua mẫu khác chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn", cô lý giải.
Theo lời Tâm Thanh, những mẫu đầm được sản xuất bởi thương hiệu cao cấp hoặc nhà thiết kế tiếng tăm không bao giờ sợ "ế". Thậm chí, với những mẫu đặc biệt, số lượng ít, không tái sản xuất, cô có thể bán độn giá cao hơn so với giá mua từ chủ trước đó.
Các mẫu may theo số đo sẽ kén người mua hơn. Trong khi đó, những chiếc đầm không thắt eo, freesize lại rất dễ bán.
"Nếu đầm chỉ mặc một lần, qua một nước giặt, tôi bán với giá giảm 20% so với giá gốc. Với những món đồ được mặc nhiều lần, có vết hoen ố, đã cũ, tôi buộc phải bán thấp xuống nửa giá", cô kể.
Theo lời Tâm Thanh, cô ít khi để một món đồ không sử dụng quá lâu trong tủ, sợ item đó hết hot, không được săn đón, bán mất giá.
Nghi Huỳnh cũng đồng tình với ý kiến này. Sau mỗi lần mặc một mẫu váy, cô sẽ tìm cách nhanh chóng bán đi để được giá, đỡ mất công giữ gìn, bảo quản.
Tận dụng trang cá nhân có nhiều người theo dõi, tương tác, cô đăng tải hình ảnh, thông tin những món váy, áo cần tìm chủ mới. Quá trình giao dịch, gửi hàng diễn ra khá nhanh chóng bởi người mua phần lớn có quen biết.
"Tiền bán 3-4 chiếc đầm cũ mới đủ để tôi đặt mua một món đồ mới. Do đó, tôi cho rằng thanh lý váy chỉ là cách để giải phóng tủ quần áo chứ không phải một hình thức kinh doanh có lời", Nghi kể.
Không thuận lợi như Nghi Huỳnh hay Tâm Thanh, Mai Anh (29 tuổi, Vũng Tàu) thường gặp một số tình huống trớ trêu khi thanh lý áo quần trong các hội, nhóm trên mạng xã hội. Mặc dù là thành viên "cứng" của nhóm, các bài đăng của cô chỉ nhận được 2-5 bình luận.
Theo Mai Anh, nhiều người nhắn tin hỏi mua nhưng chỉ "seen" (đã xem) khi cô thông báo mức giá. Đối với một số trường hợp người mua mặc cả, thương lượng giá, cô từ chối tiếp tục cuộc hội thoại.
"Ban đầu, tôi không đăng tải giá thanh lý công khai nhằm gia tăng tương tác thông qua bình luận hỏi giá. Tuy nhiên, sau khi gặp nhiều tình huống oái oăm, tôi quyết định ghi đầy đủ thông tin món đồ muốn bán lại", Mai Anh cho biết.
Cô luôn giữ uy tín bằng cách bọc, gói hàng cẩn thận, thông báo trước cho khách hàng những lỗi, vết bẩn trên sản phẩm trước khi chốt deal.
Nhiều bạn bè của Mai Anh từng bị lừa khi mua hàng thanh lý trên mạng xã hội. Sau khi mở gói hàng được giao, họ mới "té ngửa" khi nhận ra những chiếc váy trắng đã ngả màu, có nhiều vết ố, áo đứt khuy, vải jean bạc màu...
Để tránh phiên thanh lý không vừa lòng người bán thuận ý người mua, Mai Anh luôn chụp hình thật trang phục, không chỉnh sửa, không lấy ảnh của hãng.
Theo The Guardian, xu hướng thanh lý trang phục dự tiệc dần trở nên phổ biến. Trào lưu này được hưởng ứng bởi nhiều ngôi sao quốc tế như Lily Allen, Olivia Rodrigo, Maisie Williams.
Trước đây, xu hướng này lại không được ủng hộ. Năm 2019, gia đình nổi tiếng Kardashians đã lập riêng một trang web để bán lại váy áo, túi xách, phụ kiện không còn dùng tới. Từ đó, trào lưu thanh lý đồ thời trang mới được công chúng quan tâm.
Alex Goat - chuyên gia về văn hóa thanh thiếu niên - chia sẻ về xu hướng "cũ người mới ta": "Mọi người đang dần nhận thức được tác hại của thời trang nhanh, chính vì vậy họ cũng muốn góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc này còn giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc nữa".
Theo một báo cáo của ThredUp vào năm 2020, mô hình kinh doanh bán đồ cũ đang tăng nhanh gấp 21 lần bán đồ mới. Thị trường thời trang qua tay được dự báo sẽ đạt 51 tỷ USD trong vòng 5 năm tới..
Bình luận