Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, đợt mưa lũ từ 28-31/8 làm 3 người mất tích do sạt lở đất và lũ cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến hàng nghìn hộ dân phải sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm đến tránh trú tạm tại các địa điểm an toàn.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong số 3 người mất tích có 2 người tại huyện Mường Lát, 1 người tại huyện Cẩm Thủy. Hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa xác định được danh tính người bị mất tích.
Tính đến cuối ngày 31/8, để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn…chủ động sơ tán hơn 4.600 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến tránh trú tại nơi an toàn.
Tại các huyện có đê (sông Mã, sông Bưởi, sông Lèn) như Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, chính quyền địa phương chủ động sơ tán hơn 4.200 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn.
Mưa lũ làm 123 căn nhà của người dân Thanh Hóa hư hại hoàn toàn, 49 căn nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và hơn 4.500 căn nhà bị ngập nước. Ngoài ra, nhiều trường học, điểm trường lẻ, nhà bán trú của học sinh bị đổ, hư hại. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng chịu thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy lợi…
Hiện tại, công tác tìm kiếm người mất tích đang được chính quyền địa phương tại hai huyện Mường Lát và Cẩm Thủy khẩn trương tìm kiếm với sự trợ giúp đắc lực của chiến sĩ đồn biên phòng Tam Chung, Cảnh sát PCCC, các ban nghành đoàn thể…
Sáng 1/9, trả lời PV VTC News, ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, do nước lũ các sông Mã và sông Bưởi dâng cao, nhiều xã của huyện Vĩnh Lộc hiện bị cô lập.
“Hiện nay, huyện Vĩnh Lộc không có mưa to nhưng do phía thượng nguồn xả lũ hồ thủy điện nên nước lũ trên sông dâng cao. Sáng nay, mực nước sông Mã, sông Bưởi đã rút so với chiều qua nhưng rút vẫn chậm”, ông Thao nói.
Về tình hình ngập lụt, ông Thao thông tin: “Một số xã như Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Hưng, Vĩnh Ninh... bị ngập một số nơi. Hoa màu ở bãi sông bị thiệt hại nhưng không đáng kể. Một số hộ dân ở ven sông Mã thuộc một số xã bị ngập cục bộ, hư hỏng tài sản nhưng giờ đã di dời đến nơi an toàn. Riêng xã Vĩnh Hưng do đặc thù là rốn thoát lũ của huyện nên ngập nặng hơn, có khoảng 5 - 6ha lúa bị ngập sâu, có thể bị mất trắng”.
Theo ông Lê Văn Thao, do nước lũ sông Bưởi dâng cao nên tuyến quốc lộ 217 qua huyện đang bị chia cắt tạm thời.
“Tuyến Quốc lộ 217 đoạn từ thị trấn Vĩnh Lộc đi các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hùng, Vĩnh An, Vĩnh Minh đang tạm thời bị chia cắt ở đoạn cầu Công do nước lũ sông Bưởi dâng cao. Hiện chúng tôi đang huy động lực lượng chức năng thực hiện kè chắn bằng các bao cát”, ông Thao cho hay.
Do nước sông Mã và sông Bưởi dâng cao, hiện nay, nhiều xã tại huyện Vĩnh Lộc ngập sâu, giao thông bị cô lập. Cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng của huyện Vĩnh Lộc đang tập trung hỗ trợ nhân dân đối phó với tình hình ngập lụt.
Theo thống kê ban đầu của huyện Vĩnh Lộc, tại các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng khu vực ngoại đê sông Mã nước ngập sâu vào nhà dân từ 1,5-2,5m.
Tại xã Vĩnh Yên, toàn bộ đường giao thông vào xã bị ngập, nơi ngập sâu nhất trên 3m, công sở xã, nhà văn hoá, trường học 3 cấp đều bị ngập sâu trong nước. Huyện Vĩnh Lộc đã khẩn trương di dời gần 1.600 hộ dân, đồng thời huy động lực lượng cùng chủ 17 trang trại, gia trại sơ tán vật nuôi đến nơi an toàn.
Bình luận