Trong 24 giờ qua, thêm 3 người được cho là đã tử vong tại các quận Netrokona, Kurigram và Moulvibazar của nước này.
Kéo dài từ ngày 17/5, đây được coi là đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề nhất trong 122 năm qua tại Bangladesh. Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh (DGHS) cho biết, phần lớn những người thiệt mạng đều do đuối nước. Quận Sylhet đã ghi nhận tổng số 57 người chết, là nơi có thiệt hại về người lớn nhất. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, khoảng 14.000 người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Một người dân tại vùng Sylhet nói: “Chúng tôi sống trong những điều kiện rất tồi tệ, trong những ngôi nhà bị nước nhấn chìm. Chỉ có Thánh Allah mới hiểu được. Chúng tôi phải chịu đựng quá nhiều, chúng tôi không có đồ ăn, thức uống”.
Một người khác cho biết: “Chúng tôi sống trong ngôi nhà bị nước lũ bao vây đã 1 tuần rồi. Giờ chúng tôi đã được chuyển tới một lều bạt tạm, nhưng vẫn không có đồ ăn. Hôm nay nước đã rút một ít. Hy vọng tôi sẽ được sớm về nhà”.
Chính quyền Bangladesh đã xây dựng cấp tốc hơn 1.900 khu lều tránh lũ, khoảng 2.000 đội y tế lưu động đã được cử đến các khu vực bị ảnh hưởng để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài thiệt hại về người, lũ lụt cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng tới nhà cửa, mùa màng, đường xá tại nhiều khu vực của nước này.
Trước đó, Quốc vụ khanh phụ trách Quản lý thảm họa và Cứu trợ của Bangladesh, Enamur Rahman cho biết chính phủ và các tổ chức tư nhân đang phối hợp để cứu trợ người dân tại vùng Sylhet nơi đang chịu nhiều tổn thất nặng. Một tổ chức cứu trợ quốc tế ước tính khoảng 7,2 triệu người dân Bangladesh, đặc biệt tại khu vực Đông Bắc đang chịu ảnh hưởng và cần được hỗ trợ khẩn cấp lều bạt trú ẩn, và các đồ dùng thiết yếu.
Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), kể từ đầu tháng 6, mưa xối xả và nước ở thượng nguồn đã nhấn chìm hoàn toàn 94% thị trấn Sunamganj và 84% diện tích khu vực Sylhet, Đông Bắc Bangladesh, giáp với bang Meghalaya của Ấn Độ. Hiện các nhóm cứu trợ của Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Bangladesh cũng đang cung cấp các gói thực phẩm giúp người dân khu vực này có thể cầm cự ít nhất hai tuần. Các đội y tế lưu động cũng đi thăm khám, phát các đồ dùng cứu trợ cho người dân tại khu vực này.
Bình luận