• Zalo

Mưa lũ gây sạt đê tại Hà Tĩnh, lở núi ở Thanh Hóa - Nghệ An

Đời sốngThứ Hai, 23/09/2024 19:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mưa lũ những ngày qua khiến nhiều khu vực vùng vúi ở Thanh Hóa và Nghệ An xuất hiện những vết nứt núi hoặc sạt lở khiến người dân phải di dời.

Tại Thanh Hoá: Chiều 23/9, mưa lớn tiếp tục kéo dài, quả đồi Đá Bàn (thôn Chính Thành, xã Thạch Trực, huyện Thạch Thành) xuất hiện vết nứt rộng hơn 1m, dài khoảng 100m. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 13 hộ dân đến nơi an toàn.

Ngoài ra, một quả đồi khác thuộc thôn Định Thành, xã Xuân Thành cũng xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở rất cao. Chính quyền xã Thành Trực đã vận động di dời các hộ dân tới nhà hàng xóm. Đến chiều 23/9, đã di dời 29 hộ.

Sạt lở đồi đe dọa khu dân cư ở Thanh Hóa. (Ảnh: Đình Minh)

Sạt lở đồi đe dọa khu dân cư ở Thanh Hóa. (Ảnh: Đình Minh)

Cùng với đó, quả đồi ở khu phố Lâm Thành (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) cũng xuất hiện vết nứt từ trên cao, chân núi bị sạt lở. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương yêu cầu 10 hộ di dời, đồng thời cắm biển cảnh báo, cử lực lượng thường trực theo dõi, có phương án xử lý kịp thời.

Chính quyền các địa phương ở Thanh Hóa đang khẩn trương di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. (Ảnh: NĐT)

Chính quyền các địa phương ở Thanh Hóa đang khẩn trương di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. (Ảnh: NĐT)

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, 100 nhà dân ở các huyện miền núi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân bị đất đá sạt lở gây hư hại và 7 điểm trường phải sơ tán học sinh.

Mưa lớn còn khiến nhiều tuyến đường giao thông bị hư hại nặng với gần 200 vị trí, tổng chiều dài 162m, gây tắc đường, chia cắt, cô lập nhiều địa phương trong tỉnh. Nước lũ cũng đã cuốn trôi mố cầu Bến Nhạ, tại xã Tân Thành, khiến người dân đi lại khó khăn. 

UBND tỉnh Thanh Hoá đã công bố 3 tình huống khẩn cấp, gồm: Tnh huống khẩn cấp sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS Lâm Phú (huyện Lang Chánh); Sạt lở đất mái taluy dương kênh Chính Cửa Đạt đoạn từ K6+300-K6+500 xã Phùng Giáo (huyện Ngọc Lặc) và tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS&THPT Như Xuân (xã Thanh Quân, huyện Như Xuân). 

Một phần cầu Bến Nhạ (xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bị nước lũ cuốn trôi. (Ảnh: MXH)

Một phần cầu Bến Nhạ (xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bị nước lũ cuốn trôi. (Ảnh: MXH)

Tại Nghệ An: Tính đến 19h30 ngày 23/9, mưa lũ khiến 3 người chết và 1 người bị thương. Gần trăm ngôi nhà ở Nghệ An hư hỏng ở mức độ khác nhau, trong đó, có 9 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn. Mưa lũ cũng làm 11 điểm trường ở Nghệ An bị ngập gồm 2 điểm ở huyện Kỳ Sơn; 2 điểm ở huyện Yên Thành; 1 điểm ở huyện Anh Sơn; 2 điểm ở huyện Tương Dương và 4 điểm ở huyện Quỳnh Lưu. 

Mưa lớn dẫn đến một ngôi nhà ở Quế Phong bị sập do sạt lở. (Ảnh: Trần Lộc)

Mưa lớn dẫn đến một ngôi nhà ở Quế Phong bị sập do sạt lở. (Ảnh: Trần Lộc)

 

Tính đến khuya 23/9, còn 274 hộ dân ở Nghệ An còn bị ngập do mưa lũ; 92 hộ phải di dời đồ đạc; 66 hộ phải sơ tán hoặc bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 9 xóm, bản bị cô lập. 

70 con gia súc ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quế Phong, Anh Sơn và Tân Kỳ đã chết do mưa lũ. Toàn tỉnh Nghệ An có 14.803 con gia cầm bị chết, 537,90 ha lúa bị hư hại.

Mưa lũ cũng làm lún, nứt dọc mặt thân đê tại 3 vị trí của đê Kênh Thấp đoạn qua khối 2 (thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên). Hệ thống đê bao xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên (kênh Lam Trà) bị tràn 800 mét. Trong khi đó, tuyến đê ngăn mặn xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Lưu) bị sạt lở 45 mét. Bờ đê kênh chính Bắc qua xã Nam Thành (huyện Yên Thành) cũng bị sụt lún.

Đáng chú ý, trên 13.000 mét đường giao thông địa phương ở Nghệ An đã bị sạt lở; 61 điểm bị ngập, sạt lở; 13 điểm sạt lở gây ách tắc; 108 điểm đường giao thông, cầu tràn bị ngập; 30 cây cầu bị hư hỏng, sạt lở; 18 cống bị hư hỏng.

Tuy nhiên, đến tối 23/9, theo ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, hiện nhiều tuyến đường ở TP Vinh nước đã rút.

Tại Hà Tĩnh: Từ đêm 22/9 đến sáng 23/9, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa lớn phổ biến 180 - 253mm. Mưa cũng khiến nhiều nơi bị ngập lụt cục bộ, đặc biệt là các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Nghi Xuân. Cụ thể, 17 trường học, 5.643 học sinh trên địa bàn huyện Hương Sơn phải nghỉ học. Nước lũ dâng cao cũng cô lập 2 thôn tại xã An Hòa Thịnh (huyện Hương Sơn) với khoảng hơn 200 hộ dân.

Tiếp tế thực phẩm, nước uống cho người dân vùng ngập lụt Hà Tĩnh.

Tiếp tế thực phẩm, nước uống cho người dân vùng ngập lụt Hà Tĩnh.

Tại huyện Nghi Xuân, mưa lớn kéo dài tiếp tục gây sạt lở tại tuyến đê Hội Thống (xã Xuân Hội), ăn sâu vào bờ 3m với chiều dài 80m; làm vỡ bờ 2 hồ nuôi tôm (xã Xuân Phổ) với diện tích gần 1,5 ha. Toàn huyện có 17 điểm trường bị ngập trung bình từ 20-40cm.

Đáng chú ý, tại Quốc lộ 8A (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo xảy ra nhiều điểm sạt lở, đặc biệt đoạn km81+750 bị sạt lở ta luy dương gây ảnh tắc giao thông. Đến 13h, tuyến đường cơ bản đã được khắc phục, thông 1 làn xe.

Tại Quảng Bình: Mưa lớn nhiều ngày qua khiến tuyến đường vào 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O - Ồ Ồ bị ngập, chia cắt 215 hộ với 867 khẩu.

Đường độc đạo vào 3 bản ở Quảng Bình bị ngập sâu, chia cắt gần 900 người.

Đường độc đạo vào 3 bản ở Quảng Bình bị ngập sâu, chia cắt gần 900 người.

Theo đó, chiều dài đoạn ngập tại khu vực Hung Trâu (thuộc xã Thượng Hóa) khoảng 500m, sâu 2m. Hiện lực lượng chức năng và người dân phải sử dụng thuyền để liên lạc, vận chuyển, trao đổi thực phẩm. Chính quyền đã hạn chế người dân qua lại vị trí này, chỉ di chuyển những trường hợp khẩn cấp như đau ốm, công việc cấp bách để đảm bảo an toàn.

Bình luận
vtcnews.vn