Chỉ cần mất 3 giây để lại số điện thoại và mã số, người mua có thể dễ dàng chốt đơn trên livestream của các shop bán hàng. Như một cái chợ online, đủ các mặt hàng từ quần áo, mỹ phẩm đến đồ ăn, thậm chí cả các loại thuốc được bán trên các video trực tuyến.
Người bán hàng liên tục đưa ra những lời quảng cáo có cánh về các mặt hàng của mình để thu hút người mua. Người mua thì chỉ được nhìn thấy hàng qua màn hình điện thoại nên nhiều khi mua hàng cũng như ván cược may rủi.
Gặp phải shop có tâm thì coi như không mất thời gian xem và chốt đơn, tuy nhiên có nhiều trường hợp trớ trêu người mua vừa mua hàng vừa sắm thêm “cục tức” vào người.
Là một tín đồ mua sắm online, sau khi các livestream bán hàng được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, chị Giang, một nhân viên văn phòng đã dành rất nhiều thời gian xem để chọn lựa món hàng ưng ý. Mặt hàng mà chị Giang quan tâm là đồng hồ, túi xách và nước hoa.
Sau khi được quảng cáo là hàng thật 100%, miễn phí ship, được đổi trả dễ dàng, chị Giang nhiều lần đặt mua các món đồ trên với hy vọng, săn hàng đẹp giá tốt trên livestream.
Tuy nhiên sau khi gói hàng được ship tới, chị Giang không nghĩ là hàng được nhận lại khác xa với quảng cáo. Túi xách, đồng hồ, nước hoa được quảng cáo là hàng hiệu nhưng chất lượng lại cực kỳ thấp, thậm chí đồng hồ mới mua về chị Giang đã phải đi thay pin mà vẫn không dùng được.
“Người bán hàng quảng cáo thì rất hay, hàng chiếu lên thì đẹp nhưng không hiểu sao lại giao cho khách chiếc túi như này, mua ở chợ khéo còn đẹp hơn. Nói là hàng nhập khẩu mà nhận về quá thất vọng”, chị Giang chia sẻ.
Trên các livestream, không chỉ có các mặt hàng thời trang mà còn có đa dạng các mặt hàng đặc thù như dược phẩm. Nghe theo các thầy thuốc online, bà Hải ở Long Biên, Hà Nội không ngần ngại xuống tiền để mua loại thuốc chữa chứng đau nhức xương khớp.
Được quảng cáo là làm từ các loại thuốc Đông y cổ truyền, có tác dụng chữa các bệnh đau nhức xương khớp, phong thấp… Cam kết hoàn tiền nếu không đạt hiệu quả. Tin vào những gì được nghe, bà Hải không đi viện khám mà chờ loại thuốc thần thánh không rõ tên tuổi trên livestream.
Chỉ một tuần sau khi uống, bệnh tình không những không thuyên giảm mà bà còn gặp phải triệu chứng tim đập nhanh, nhiều lúc cơ thể mệt mỏi, loạng choạng, đỉnh điểm có hôm còn ngã lăn ra đất. Vì thuốc mua sau khi đặt hàng qua livestream nên bà Hải chẳng biết khiếu nại ai, gọi vào số điện thoại có trên hộp thuốc thì chỉ thấy thuê bao.
May mắn hơn bà Hải với chị Giang, chị Thu (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã mua hàng nhiều lần qua livestream, tuy nhiên những món hàng chị mua như mặt hàng thời trang, mỹ phẩm lại có những sản phẩm hài lòng.
Chị chia sẻ: “Săn sale qua livestream rẻ hơn mua tại cửa hàng, hầu như những shop mình mua đều có cửa hàng đàng hoàng vậy nên cũng yên tâm hơn về chất lượng. Hàng lúc nhận được thì chất khá đẹp. Chỉ có một lần mua mỹ phẩm trên live thì mình bị dính phải hàng cận date nên cũng cảnh giác hơn từ đó”.
Có thể thấy, mua hàng online được xem là xu thế, hình thức bán hàng qua livestream đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng chuẩn như những lời quảng cáo. Trong mênh mông các mặt hàng kinh doanh, mua bán trên mạng xã hội thì thật giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng dễ bị lừa, mua phải hàng kém chất lượng.
Mặc dù việc kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng đã được phản ánh suốt thời gian qua, nhưng việc xác minh tên, địa chỉ người vi phạm không dễ do người bán không đăng ký với các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp bị phản ánh đã khóa tài khoản, không liên hệ được.
Rõ ràng, livestream là một phương thức bán hàng rất tiến bộ và hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng trước những hình thức bán hàng lừa đảo, không nên ham rẻ mà trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu.
Bình luận