Không chỉ sụt giảm về giá trị, tiền ảo có lúc được xem như là một hàng rào bảo vệ chống lại lạm phát này còn đánh mất tính chất “vàng kỹ thuật số” khi biến động giá nhanh “chóng mặt”.
“Bitcoin ngủ đông”
Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy giá Bitcoin gần đây không có hồi phục nào đáng kể, chủ yếu đi ngang quanh vùng 16.000 – 19.000 USD. Như vậy, so với mức đỉnh lịch sử gần 70.000 USD thiết lập vào 11/2021, giá tiền ảo hàng đầu đã giảm trên 70%. Vốn hóa thị trường của Bitcoin cũng bị đẩy về mức 334 tỷ USD.
Một năm trước đó, nhiều nhà đầu tư tiền điện tử tràn đầy sự lạc quan. Tuy nhiên, kể từ đầu 2022, giá Bitcoin liên tục rơi tự do và ghi nhận mức thấp nhất vào tháng 6/2022 với mức 17.500 USD. Đến đầu tháng 7/2022, giá Bitcoin tăng nhẹ trở lại nhưng không vượt được mức 25.000 USD. Tháng 11, sàn giao dịch FTX phá sản, giá Bitcoin tiếp tục mất 1/4 giá trị chỉ trong 4 ngày. Nhiều người cay đắng cho rằng 2022 là một năm thảm họa của tiền mã hóa nói chung và Bitcoin nói riêng.
Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến giá Bitcon lao dốc là do lãi suất tăng, khẩu vị rủi ro biến mất và sự sụp đổ hàng loạt của các công ty tiền số như FTX. Thực tế, giá Bitcoin đạt mức cao kỷ lục 69.000 USD vào giữa 2021 là nhờ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của các quốc gia trên thế giới nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế do các hạn chế vì dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, khi các nước mở cửa trở lại, lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng trung ương phải triển khai các biện pháp thắt chặt lãi suất và khiến các nhà đầu tư từ bỏ các loại tài sản rủi ro cao hơn như cổ phiếu công nghệ và tiền điện tử. Giá Bitcoin, loại tiền điện tử từ lâu được coi là tài sản có giá trị lưu trữ trong thời kỳ lạm phát vì nguồn cung hạn chế, đã giảm mạnh do các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn đã được chứng minh trước đó như USD.
Khi các nhà đầu tư quay lưng với tiền kỹ thuật số, các công ty tiền số lớn đã gặp khó khăn, trước tiên là sự sụp đổ của đồng tiền kỹ thuật số TerraUSD vốn được coi là đồng tiền ổn định (stablecoin) và đồng Luna. Các loại tiền số đã giảm giá mạnh vào tháng 5 năm nay khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu thua lỗ khoảng 42 tỷ USD. Sau đó, vào tháng 6, nền tảng vay và cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới Celsius (Mỹ) đã đóng băng tài sản của khách hàng, thông báo lỗ 1,2 tỷ USD khi tuyên bố phá sản. Quỹ đầu tư tiền điện tử Three Arrows Capital có trụ sở tại Singapore cũng chung số phận trong cùng tháng.
Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác đồng loạt lao dốc theo, giảm hơn 50% giá trị chỉ trong vòng 49 ngày kể từ cuối tháng 5. Cũng chỉ trong vòng 1 ngày hồi tháng 6, giá trị đồng Bitcoin đã giảm khoảng 15%, đây được coi là ngày tồi tệ nhất đối với đồng tiền điện tử này kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch COVID-19 làm chao đảo các thị trường tài chính.
Tiếp sau đó, cú sốc được cho là mạnh nhất trên thị trường tiền số trong năm nay là sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, vào tháng 11 vừa qua. Theo đó, giá trị đồng Bitcoin đã giảm khoảng 25% chỉ trong vòng chưa đầy 4 ngày. Hiện Bitcoin có giá khoảng 16.000 USD/Bitcoin. Nhìn chung, năm 2022 gần như là năm "thảm họa" của thị trường tiền số.
Nhà kinh tế học Noelle Acheson chỉ ra sau tất cả, 2022 là một năm thảm họa của tiền mã hóa. Đây là năm mà những điểm yếu cấu trúc của một ngành công nghiệp phát triển quá nhanh, quá lớn bộc lộ.
Tương lai nào cho Bitcoin?
Bitcoin trong năm 2023 sẽ thế nào? Khi nào tăng, khi nào giảm, giảm hoặc tăng bao nhiêu đang là câu hỏi được hầu hết người tham gia tiền ảo đặt ra. Một số chuyên gia và tổ chức dự đoán Bitcoin có thể giảm thêm. Với tình trạng lãi suất và lạm phát vẫn ở mức cao, kênh tài sản rủi ro có thể trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Katie Stockton, người sáng lập Fairlead Strategies LLC, cho biết trong những tuần tới, giá Bitcoin có thể tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 11, khoảng 15.600 USD. Dự kiến, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tạo "đáy" mới ở vùng hỗ trợ gần 13.900 USD.
Theo giới phân tích, các tin tức tiêu cực đang bao trùm ngành công nghiệp tiền ảo. Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đã tạo sức ép lớn lên các tài sản rủi ro, trong đó có Bitcoin. Dưới góc nhìn bi quan, các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co thậm chí dự báo mức giá sàn của Bitcoin có thể là khoảng 13.000 USD.
Trong một nghiên cứu vào ngày 5/12, ngân hàng Standard Chartered cho biết Bitcoin có thể giảm xuống mức thấp nhất là 5.000 USD. Theo dự đoán, Bitcoin là một trong những đồng tiền số nằm trong danh sách “bất ngờ”, có thể sự sụt giảm 70% so với giá hiện tại.
Theo ông Eric Robertsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Standard Chartered, lợi nhuận của Bitcoin sẽ sụt giảm cùng với cổ phiếu công nghệ trong "kịch bản ác mộng" của năm 2023. Trong đó, việc bán tháo Bitcoin có thể chậm lại và các thiệt hại nói chung đều sẽ xảy ra.
“Ngày càng có nhiều công ty và sàn giao dịch tiền mã hoá không còn đủ thanh khoản, dẫn đến nhiều vụ phá sản hơn và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào tài sản kỹ thuật số”, ông Eric Robertsen nhận định.
Tuy nhiên, nhà bình luận tiền ảo nổi tiếng Jim Messina lại dự đoán giá Bitcoin có thể sẽ một lần nữa đạt mức 60.000 USD. Ông Messina tin hệ thống tài chính sẽ được định hình lại với sự trợ giúp của công nghệ blockchain và tài sản kỹ thuật số.
Nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Arcane Research là Vetle Lunde cho rằng 2023 sẽ là một năm để chữa lành những vết thương cho thị trường tiền điện tử nhưng giá Bitcoin sẽ không tiến sát mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận trước đây.
Tóm lại, Bitcoin là một kênh đầu tư may rủi, giá tiền ảo này rất dễ bị thao túng bởi những tin tức tiêu cực từ các ngân hàng hoặc khi các mỏ đào ngừng hoạt động. Ở chiều ngược lại, các cá mập bơm và xả cũng có thể tạo ra biến động giá rất lớn cho Bitcoin trong ngắn hạn. Vì thế, rất khó để dự đoán khi nào Bitcoin sẽ hồi phục hoặc khi nào sẽ tạo đáy mới. Trong lúc này, giới quan sát vẫn đang chờ đợi những biến động mới của Bitcoin và chuyển biến của thị trường.
Bình luận