Manchester United và Arsenal từng ở đâu trên bản đồ bóng đá Anh? Đó chắc chắn là hai vị trí trang trọng bậc nhất, nếu không muốn nói là nhất.
Arsenal là đội duy nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh có mùa giải bất bại. Nhìn Manchester City hùng mạnh của Pep Guardiola tan vỡ giấc mơ bất bại để thấy cả mùa giải cùng chuỗi 49 trận không thua của Arsenal 2003/2004 vĩ đại nhường nào.
MU có số lần vô địch Ngoại hạng Anh nhiều nhất, thống trị sân chơi quốc nội dưới thời Sir Alex Ferguson, thiết lập sự áp đặt chưa từng có trong lịch sử.
Tuy nhiên, nếu hỏi MU và Arsenal đang ở đâu trên bản đồ bóng đá Anh, nhiều CĐV sẽ thở dài. Cả hai không được dự Champions League, tiêu chuẩn "tối thiểu" của các đội bóng mạnh trên xứ sương mù.
Sự suy vong nhìn từ tấm băng đội trưởng
Cuộc so tài giữa MU và Arsenal trong quá khứ gắn chặt với hình ảnh của Roy Keane và Patrick Vieira. Cả hai tạo nên những cuộc thư hùng sống mái, để rồi đến khi giải nghệ, người hâm mộ vẫn không ngừng nhắc về họ.
Đến Old Trafford từ năm 1993, Roy Keane từng bước trở thành "đầu sỏ" phòng thay đồ Quỷ đỏ, được CĐV nhắc đến với vai trò "Quỷ đầu đàn". Còn với Vieira, tiền vệ người Pháp là biểu tượng cho một Arsenal sắt thép, kỷ luật và giàu tính chiến đấu.
Nếu Keane là tiền vệ trung tâm "hùng tâm tráng chí", sẵn sàng đè bẹp mọi đối thủ cản đường MU, Vieira là chỗ dựa khu trung tuyến, là tiền vệ - có lẽ là duy nhất ở Anh, không bị hào quang cùng "ám khí" của Keane áp đảo.
Keane và Vieira ở MU còn hơn cả tầm vóc đội trưởng. Họ là đại diện cho một giai đoạn lịch sử hào hùng nơi Arsenal và MU thay nhau "trị vì" nước Anh kỷ nguyên Ngoại hạng. Song, đeo trên tay tấm băng đội trưởng hai đội trong trận quyết đấu tối nay là hai cái tên dường như không còn xứng đáng với sự vẻ vang của thế hệ đi trước.
"Đầu lĩnh" của MU là Ashley Young - cầu thủ chạy cánh người Anh đã để lại thời đỉnh cao ở Aston Villa và 2 năm đầu dưới thời Sir Alex Ferguson. Young được lựa chọn vì... lớn tuổi nhất, còn tầm ảnh hưởng chưa bao giờ được đánh giá cao. Đội trưởng gì mà còn không chắc suất đá chính!?
Nếu Young vắng mặt, David de Gea sẽ nhận trách nhiệm. Thủ môn người Tây Ban Nha là cầu thủ tài năng, ổn định bậc nhất Quỷ đỏ từ khi Sir Alex Ferguson chia tay Old Trafford. Ngót 5 mùa giải, De Gea luôn là thủ môn thuộc hàng hay nhất với những pha cứu thua khiến khán giả trầm trồ.
Nhưng đội trưởng không phải lúc nào cũng là cầu thủ số 1. Nếu như thế, Cristiano Ronaldo đã được bầu làm đội trưởng MU, Real Madrid hay Juventus, còn Lionel Messi đứng đầu Barcelona từ năm 2008 trở đi (chứ không phải Carles Puyol, Xavi hay Iniesta).
Đội trưởng phải có khí chất, khả năng làm chủ phòng thay đồ, hô hào tinh thần đồng đội và là cánh tay nối dài của HLV. Đó là những phẩm chất De Gea... không có.
Thủ môn người Tây Ban Nha thầm lặng cứu thua, ít khi hô hào đồng đội, cũng thiếu cá tính cần thiết. Thậm chí, De Gea còn năm lần bảy lượt muốn rời Old Trafford. Chỉ đến khi Real Madrid, Juventus hay Paris Saint-Germain đều đã ổn định khung thành, De Gea chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài... ở lại.
Dẫu vậy, ít ra đội trưởng của MU còn có... chuyên môn. Đội trưởng của Arsenal là Granit Xhaka, còn không được đánh giá là chuyên môn ổn định ở vị trí anh đang thi đấu. Mùa này, Xhaka 1 lần mắc lỗi trực tiếp đến bàn thua. Ít ai quên ngày mới tới Emirates, Xhaka nhận nhiều thẻ đỏ và khiến đội nhà chịu nhiều phạt đền thế nào.
Ngày cầu thủ người Thuỵ Sĩ được bầu làm đội trưởng dài hạn, hàng nghìn bình luận chỉ trích, châm chọc được đưa ra. Những ai theo dõi Arsenal đều hiểu Xhaka không xứng đáng. Nhưng bi kịch hơn cho Arsenal, họ cũng chẳng còn ai... xứng đáng hơn.
Đừng nhớ về ngày xưa
Jose Mourinho thừa nhận MU hiện tại còn tồi hơn cả MU ở thời điểm ông rời đi. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha bị đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng giữa mùa trước, song Quỷ đỏ đã dùng tất cả những HLV có thể ở mọi trường phái.
Từ "người được chọn" David Moyes, chuyên gia xây nền Louis van Gaal, "vua danh hiệu" Mourinho hay người mang ADN Quỷ đỏ rõ ràng nhất như Ole Gunnar Solskjaer, tất thảy đều thất bại. Dường như vấn đề chẳng còn thuộc về băng ghế huấn luyện nữa.
MU đã chi hơn nửa tỷ bảng từ sau năm 2013. Ở hàng phòng ngự, Quỷ đỏ có trung vệ và hậu vệ biên đắt giá nhất thế giới. Tuyến tiền vệ, MU có tiền vệ trung tâm cũng đắt giá nhất thế giới. Trong khung gỗ, De Gea cũng là người gác đền hưởng lương cao nhất thế giới.
Song, MU vẫn đứng ở nửa dưới (nếu không thắng Arsenal đêm nay), phải chơi ở Europa League và rất may mắn mới thắng đội "hạng lông" Rochdale ở cúp Liên đoàn Anh.
MU thiếu tầm nhìn và đánh mất bản sắc khi gia đình Glazer để Phó Chủ tịch Ed Woodward tự tung tự tác, đẩy Quỷ đỏ vào cuộc chiến kim tiền.
Còn với Arsenal, đội bóng này phải "đập đi xây lại" sau thời Arsene Wenger. HLV Unai Emery được tin tưởng, nhưng chất lượng cầu thủ Arsenal đơn giản là chưa đủ tốt. Pháo thủ hiểu rằng ngay cả vị trí top 4 từng là thương hiệu, giờ cũng phải chật vật mới có được.
Sức hấp dẫn của cuộc so tài đêm nay, có lẽ chỉ còn đến từ tiếng vọng quá khứ. Thực tại lẫn tương lai, MU và Arsenal đều rất mù mờ. Giữa dòng chảy cuồn cuộn của bóng đá Anh, cả hai đã tụt lại rất xa rồi.
Bình luận