• Zalo

MU bán tên Old Trafford: Xin lỗi, đó chỉ là...1 tỷ USD

Thể thaoThứ Tư, 15/08/2012 12:44:00 +07:00Google News

(VTC News)- Trong bóng đá có những thứ có thể bán. Nhưng có những thứ bán đi rồi chẳng thể lấy lại. Tên sân vận động là một trong số đó.

(VTC News)- Trong bóng đá có những thứ có thể bán. Nhưng có những thứ bán đi rồi chẳng thể lấy lại được. Tên sân vận động là một trong số đó. 
Trung tuần tháng 5/2005, thời điểm nhà Glazer chính thức thâu tóm quyền điều hành câu lạc bộ MU, cựu HLV Tommy Docherty buồn bã cảm thán: "Hôm nay, trái tim và linh hồn của MU đã bị bán đi vĩnh viễn". 
Ông dự cảm một điều không lành sẽ đón chờ đội bóng thân yêu dưới kỷ nguyên của những ông chủ nước ngoài. Thật không may, tiên đoán của chiến lược gia từng dẫn dắt "Quỷ đỏ" những năm 70 thế kỷ trước đang dần trở thành hiện thực.
Tình yêu bị phản bội, truyền thống bị bán rẻ
Sau hàng loạt thay đổi bị phản đối kịch liệt như tăng giá vé, hạn chế ngân sách chuyển nhượng, tái cơ cấu nhân sự, phát hành trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, Malcolm Glazer vừa có bước đi khiến hầu hết các Manucian lâm vào tình cảnh đớn đau, bẽ bàng.

Những giá trị truyền thống trở nên vô nghĩa trước sức mạnh của đồng tiền

“Cười người hôm trước, hôm sau người cười”, nhiều fan trung thành của MU thấm thía từng câu, từng chữ trong lời ngạn ngữ trên khi hay tin Glazer chuẩn bị bán đi thương hiệu Old Trafford. Những lời chế giễu cách đây một năm của họ nhằm vào thương vụ Man City đổi tên sân lại đang hóa thành câu chuyện châm biếm mua vui hàng ngày cho các fan kình địch láng giềng.
Không đau sao được khi mới đầu năm nay, chính Malcolm Glazer hứa chắc như đinh đóng cột sẽ chẳng bao giờ làm “điều ngu xuẩn” là bán đi tên sân vận động có tuổi đời 102 năm.
Không đau sao được khi Old Trafford đã đi qua biết bao thăng trầm trong lịch sử MU. Địa điểm ấy đã sống sót thần kỳ sau những đợt ném bom không ngừng nghỉ của phát xít Đức trong thế chiến hai. Đó cũng là nơi sản sinh ra những con người vĩ đại như Duncan Edwards, Bobby Charlton hay George Best.
Chẳng ai chỉ trích Arsenal vì họ phá hẳn Highbury và xây dựng một biểu tượng mới là Emirates. Không thể trách Man City đã “vứt đi lịch sử” khi họ đem bán cái tên chỉ tồn tại chưa đầy một thập kỷ (năm 2003, Maine Road bị đổi tên thành City of Manchester sau quyết định của hội đồng thành phố). MU thì sao? Tất cả đều mặc định rằng bán Old Trafford đồng nghĩa quay lưng lại truyền thống. Bởi MU là Old Trafford, Old Trafford chính là MU.

Góc khán đài vinh danh Sir Alex Ferguson

Khác biệt hoàn toàn với những sân vận động ở Anh khác, Old Trafford là một thương hiệu lớn mang tính toàn cầu. Thật khó để định giá một cái tên đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ hâm mộ trái bóng tròn trên thế giới. 
“Tiền có thể mua được những chiếc cúp nhưng chẳng thể mua được đẳng cấp và truyền thống”. Một tỷ USD thoạt nghe có vẻ là nhiều nhưng có đủ để mua được Old Trafford?
Bán đi để làm gì?
Dĩ nhiên, tình hình tái chính của MU hiện tại không hề bi đát giống như Newcastle khi đổi tên St James Park, Arsenal khi đổi tên Highbury. Họ vẫn là thương hiệu thể thao số một với 300 triệu người hâm mộ rải khắp hành tinh. Thậm chí, tháng trước MU vừa ký một bản hợp đồng áo đấu kỷ lục thế giới với Chevrolet – General Motors giá trị hơn nửa tỷ USD có thời hạn 7 năm.
Vấn đề nằm ở chỗ nhà Glazer liên tục đăng đàn khẳng định MU cần nhiều nguồn vốn hơn nữa để đi trọn con đường phát triển họ đã vạch ra. Bán đi tên sân, MU có thêm 50 triệu USD/năm trong vòng 20 năm tới. Đó sẽ là cột mốc quan trọng trong lộ trình của những ông chủ người Mỹ.

Old Trafford sẽ lùi vào quá vãng?

Nhưng người hâm mộ không nghĩ như vậy. Họ không muốn bị biến thành những con lừa bị dắt mũi như suốt nửa thập kỷ qua. Không ai quên kẻ nào đã khiến MU phải oằn mình gánh trên vai khoản nợ khổng lồ gần 500 triệu USD với lãi suất hàng năm lên tới 15 triệu USD; kẻ nào đã “đút túi” riêng 75 triệu USD trong tổng số 233 triệu USD MU thu về từ đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên.
Liệu sẽ có bao nhiêu % trong số tiền bán tên Old Trafford được sử dụng để xóa nợ cho đội bóng? 
Sẽ là thảm họa nếu sau khi bán đi tên sân, đánh mất thương hiệu gây dựng cả trăm năm, MU phá sản vì vỡ nợ ngân hàng, còn các ông chủ nước ngoài thì cao chạy xa bay với túi tiền nặng trịch!
Đó là chưa kể sự mạo hiểm khi bước vào cuộc chơi của các nhà tài trợ. Nếu bắt tay với gia đình Glazer xóa sổ Old Trafford, các công ty sẽ phải đối diện với làn sóng tẩy chay lớn chưa từng có trong lịch sử bóng đá thế giới. 
Nói như Trust, hội cổ động viên chính thức của MU thì: “Bạn muốn yên ổn làm ăn, hay muốn đối đầu với 300 triệu Manucian?”.

Lý Sơn
Bình luận
vtcnews.vn