Không kể một thời gian ngắn dẫn dắt Benfica lúc khởi nghiệp, sự nghiệp đỉnh cao của Mourinho coi như bắt đầu ở CLB nhỏ Uniao de Leiria vào năm 2001. Ông đưa đội này đến vị trí cao nhất trong lịch sử CLB, và được mời đến Porto chính vì thành công ấy. Porto “mời” Mourinho, chứ không phải ông “xin việc” ở đội bóng vốn đã quen biết này. Các đội kế tiếp của Mourinho cũng vậy.
Bằng cớ? Hãy hỏi Nuno Valente, Derlei, Maciel hoặc Tiago - các cầu thủ từng gắn bó với Mourinho trong thuở hàn vi tại Uniao. Trong ngày đầu tiên huấn luyện Uniao, Mourinho tập hợp toàn đội trên sân, và nói thẳng: “Các anh nên biết rằng tôi... rất giỏi. Chỉ trong nay mai, người ta sẽ biết đến tôi. Benfica, Porto, hoặc đội bóng lớn nào đó bên ngoài BĐN sẽ phải mời tôi huấn luyện. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu các anh thật sự hợp tác. Ai thật sự tin tôi, người đó sẽ cùng với tôi chuyển sang một đội bóng lớn”.
Kết quả? Các cầu thủ nêu trên đã cùng Mourinho gia nhập Porto, cũng như sau này Ricardo Carvalho hoặc Paulo Ferreira đã theo ông từ Porto sang Chelsea vậy.
Mourinho hiểu rõ điểm mạnh của mình bao nhiêu thì, dĩ nhiên, ông cũng hiểu rõ điểm yếu của mình bấy nhiêu. Và đây chính là khác biệt đáng kể giữa Mourinho của M.U với Mourinho trong ngày đầu xuất hiện ở Porto, Chelsea, Inter, Real: bây giờ ông đã qua khỏi “chu kỳ 10 năm” của một sự nghiệp cầm quân rực rỡ. Carlo Ancelotti, Marcello Lippi, Fabio Capello, Louis van Gaal, Guus Hiddink... đều không thoát khỏi cái quy luật khắc nghiệt ấy.
Mười lăm năm đã trôi qua kể từ ngày Mourinho dõng dạc nói “tôi rất giỏi” trước các cầu thủ “vô danh tiểu tốt” ở Uniao de Leiria. Đâu phải thiên hạ không thấy. Chẳng qua, chọn Mourinho là quyết định bắt buộc của gia đình Glazer - một gia đình đặc sệt chất Mỹ thực dụng, sở hữu M.U để kinh doanh hơn là để được thiên hạ vỗ tay ca ngợi.
Mặc kệ bao nhiêu vấn đề về mặt chuyên môn, hễ trao M.U vào tay một HLV trẻ “đầy tiềm năng” thay vì một tên tuổi lớn đã được cả thế giới biết đến, thì giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán New York sẽ rớt vài phần trăm. M.U kén HLV chẳng khác gì Mourinho kén CLB. Vậy nên, họ đến với nhau như một sự kết hợp chẳng đặng đừng. Đấy là cả một câu chuyện dài.
Còn chuyện trước mắt, rõ ràng là Mourinho không còn cái quyền tin chắc mình phải thành công như ngày đầu tiên nghênh ngang bước vào Porto, Chelsea, Inter, Real nữa. Ngày xưa, ông cần... sóng gió, vì nếu sóng gió xảy ra thì Mourinho mới càng có dịp chứng tỏ cái giỏi của mình.
Bây giờ, Mourinho lên mạng xã hội, nói ông đã thích thú với việc huấn luyện các cầu thủ M.U. Ngược lại, Michael Carrick cũng nói các cầu thủ M.U thích Mourinho. Có thể Carrick nói thật. Nhưng, tạo ra cái tinh thần ấy thì đâu có gì là khó, với một HLV già dặn kinh nghiệm như Mourinho.
Trước mắt, mọi chuyện coi bộ suôn sẻ - đấy là nhận xét của giới quan sát khi nhìn vào nội tình, sân tập, các vụ chuyển nhượng của M.U từ khi đội này chính thức công bố chức danh HLV trưởng của Mourinho. M.U của Mourinho mùa này sẽ là một tập thể tốt, vui nhộn, hài hòa...
Ừ thì cũng hay (đội khác muốn vậy chưa chắc đã được). Nhưng cần phân biệt: Mourinho ngày xưa “không ngán” va chạm với bất kỳ siêu sao nào. Còn bây giờ, ông “không muốn” va chạm. Bây giờ, Mourinho giống như một Paulo Maldini: hễ phải lao vào tranh chấp thì dù được bóng cũng đã là thất bại rồi!
Clip: MU 2-0 Wigan
Bình luận