Khi bắt đầu, mọi thứ đều ổn. Thậm chí nhiều người tin rằng mùa này, MU sẽ đòi lại những gì đã mất. Thế nhưng tất cả đã vỡ nát sau chưa đầy 3 tháng chỉ vì Mourinho.
Tệ. Đương nhiên là rất tệ. MU đã thua trận thứ 5 dưới thời Jose Mourinho và chắc chắn con số này sẽ không dừng lại. Ở Premier League, đội bóng này trải qua 4 trận không thắng liên tiếp và rớt xuống vị trí thứ 8, kém đội đầu bảng 8 điểm và chỉ hơn 5 điểm so với đội xếp thứ 17.
Thoải mái quá hóa khổ
Thật dễ dàng để chỉ trích, nhưng hầu hết không ai có thể chỉ ra chính xác vấn đề của MU. Trên giấy tờ, mọi thứ đều hoàn hảo. Đội bóng này có một nền tài chính tốt, mang về hàng loạt ngôi sao, từ người tốt nhất (Ibrahimovic) đến người đắt nhất (Paul Pogba), bổ sung vào đội ngũ đã bao gồm cả kinh nghiệm (như Carrick) đến tài năng trẻ (như Rashford).
Điều quan trọng là họ sở hữu một HLV tên tuổi, là Mourinho, người luôn đảm bảo các danh hiệu. Quản lý MU là công việc ông luôn mong muốn và ở đây, ông ta được đảm bảo điều kiện làm việc tốt chưa từng có. Thật không may, đây chính là rắc rối.
Tại Chelsea, Mourinho luôn phải đối phó với các ý tưởng bất chợt của Roman Abramovich, chịu lùi bước trước GĐTT Michael Emenalo. Ở Real, Mou chật vật để loại bỏ ảnh hưởng của Jorge Valdano và đau đầu vì làn sóng chống đối trong phòng thay đồ.
MU không có bất kỳ sự khó chịu nào. Nhà Glazer giao toàn quyền cho Phó Chủ tịch Ed Woodward. Woodward lại giao toàn quyền điều hành đội bóng cho Mourinho. Ông thích Pogba, Ibra, Bailly hay Mkhitaryan, không vấn đề gì, 145,7 triệu bảng rời két. Ông muốn loại Schweinsteiger, ném Rooney lên ghế dự bị, OK, không một ai phản đối.
Đến MU, Mourinho đã có thứ quyền lực mà ông hằng mơ ước, một quản lý thực sự (manager) chứ không phải HLV đơn thuần (coach). Một trong những lý do thôi thúc Người đặc biệt bằng mọi cách ngồi vào chiếc ghế ở Old Trafford là sự ngưỡng mộ Sir Alex, người duy nhất ở châu Âu có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề.
Chờ Mou thích nghi
Tuy nhiên, chính vì Sir Alex là duy nhất, nên cũng chỉ có ông mới biết cách vận hành cỗ máy khổng lồ MU. Là người quản lý, ông tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, xây dựng và quản lý danh mục đầu tư một cách hiệu quả trong tuyển dụng cầu thủ, liên tục mở rộng đội ngũ hỗ trợ và không ngừng tiếp thu những phát minh mới trong khoa học thể thao.
Không chỉ là một HLV bóng đá, làm việc với đội ngũ 24-30 cầu thủ, huấn luyện họ rồi vỗ vai khích lệ vào mỗi cuối tuần, Sir Alex là một nhà hoạch định chiến lược ở tầm vĩ mô. Ông giống Steve Jobs của Apple, trong khi những HLV khác chỉ như Giám đốc bộ phận, hoặc một dự án riêng rẽ.
Mourinho là một HLV xuất sắc, nhưng chiếc ghế quản lý quá rộng với ông ta. Và dĩ nhiên, một khi có quá nhiều mối quan tâm, ông có quá ít thời gian để định hình đội bóng, vốn chỉ là một phần trong bộ máy. Để rồi dẫn đến việc mất kiểm soát, kể cả phòng thay đồ.
Trước đây, Sir Alex có các trợ lý tuyệt vời hỗ trợ, như Mike Phelan mạnh trong xây dựng chiến thuật, Rene Meulensteen đưa ra giáo án luyện tập xuất sắc, còn Martin Ferguson biết đội bóng thiếu gì để tìm những mảnh ghép phù hợp.
Ông chỉ tinh chỉnh và ra phán quyết cuối cùng. Còn Mourinho, đội ngũ cộng sự của ông không thể giúp đỡ. Thậm chí họ còn nhầm lẫn tai hại, như trường hợp của Giovanni Cerra, chuyên viên đồ họa đã chỉ đạo sai Pogba.
Mourinho là người tham vọng quyền lực, chắc chắn ông không chịu gỡ bỏ bớt một vài trách nhiệm để tập trung hoàn toàn cho đội bóng. Vì vậy, buộc phải chờ đợi ông ta thích nghi và mày mò tìm chìa khóa vận hành. Trong thời gian đó, e là MU sẽ không trở lại sớm.
Theo tính toán từ Premier Predictor, bộ công cụ dự đoán của Sky Sports, cơ hội vô địch của MU (1%) còn ít hơn khả năng xuống hạng (2%). Ngay cả cửa vào tốp 4 cũng không sáng, chỉ 14%, thấp hơn cả Everton
Bình luận