Trao đổi với PV bà Nga cho biết, cầu Long Biên xây dựng đã hơn một thế kỷ (112 năm), tuổi thọ quá dài cho một cây cầu thép. Tuy nhiên, cầu Long Biên hiện nay vẫn ngày đêm gồng gánh hơn 20 chuyến tàu khách và hàng vạn xe máy, xe đạp qua lại mỗi ngày.
- Từng là người tổ chức nhiều sự kiện quảng bá cầu Long Biên, bà có suy nghĩ gì về ba phương án xây mới và di dời cầu Long Biên vừa qua?
- Được biết bà từng đề xuất phương án bảo vệ cầu Long Biên với TP Hà Nội và Bộ GTVT, đến nay kết quả này thế nào?
Ngoài niềm đam mê với quy hoạch đô thị và từng bảo vệ chuyên ngành này tại Pháp, tôi rất yêu Hà Nội và cầu Long Biên. Từ lâu người dân cả nước và những người xa xứ như tôi đang mong chờ Hà Nội sẽ bảo tồn, biến cầu Long Biên thành điểm nhấn lịch sử giống như tháp Eiffel (thủ đô Paris, Pháp), tượng Nữ thần Tự do (New York, Mỹ)…
Với tâm huyết và những hiểu biết về quy hoạch đô thị, từ năm 2009 tôi đã bắt tay xây dựng phương án bảo tồn cầu Long Biên theo hướng bền vững, sau đó đã trình Bộ GTVT, TP Hà Nội. Theo tôi, việc bảo tồn cầu Long Biên và xây cầu mới là hai việc hoàn toàn độc lập.
Tôi ủng hộ phương án xây mới cầu Long Biên về phía thượng nguồn 186 m, phương án này Chính phủ chấp thuận và Chính phủ Nhật cũng đã đồng ý cấp ODA để triển khai. Riêng về cầu Long Biên cũ cần có phương án bảo tồn khẩn, nếu không cầu có thể sập bất kỳ lúc nào.
Từ 10 năm trước Chính phủ Pháp đã có thiện chí tài trợ cho Việt Nam 10 triệu euro để lập đề án bảo tồn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy TP Hà Nội và cơ quan chuyên ngành là Bộ GTVT hưởng ứng thiện chí này. Kể cả đề án của tôi đã lập và gửi đến các cơ quan trên từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn không được hồi âm.
Không nên đưa cầu Long Biên thành di sản quốc gia
- Vậy cụ thể phương án của bà ra sao, nếu thực hiện cần phải bao nhiêu tiền và nguồn này lấy từ đâu?
Theo tôi, để bảo tồn cầu Long Biên, Hà Nội không nên kiến nghị đưa cầu Long Biên vào di sản quốc gia. Thứ nhất, đây là công trình không phải do người Việt làm; thứ hai, nếu đưa vào di sản quốc gia thì cầu Long Biên sẽ không bao giờ được tôn tạo, phát triển nữa, vì Luật Di sản Việt Nam quy định di tích đã được xếp hạng thì không đụng đến.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi thấy rằng, thế giới và nhà nước mình đang khuyến khích đầu tư cho các công trình văn hóa, lịch sử theo hình thức PPP (công tư: Chính phủ và doanh nghiệp cùng làm). Cá nhân tôi đã tập hợp được một số DN tại Pháp cũng như trong nước có chung mối quan tâm đủ điều kiện thực hiện theo phương án đã nói ở trên.
Nếu được Chính phủ chấp thuận, chúng tôi có thể sửa ngay cầu Long Biên trong một hai ngày tới, kịp thời ngăn chặn sự xuống cấp, hư hỏng và phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Theo đó, sau khi các đoàn tàu được di dời sang cầu mới, 9 nhịp cầu hiện có được giữ nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp đinh tán ri-vê (kỹ thuật thi công cầu Long Biên ngày xưa) để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước nguyên thủy, những toa xe tàu cũ sẽ được cải tạo thành các quán café và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong veo để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới. Với 10 nhịp cầu đã bị sập phía Long Biên sẽ được đúc mới để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản năm 1902.
Trên 10 nhịp cầu mới sẽ tổ chức một Bảo tàng Ký ức cầu Long Biên qua 3 cuộc kháng chiến của dân tộc. Dạng kính lắp trên khung thép thành cầu là dạng năng lượng xanh tích lũy nhiệt mặt trời. Để thực hiện dự án này chúng tôi cần khoảng 80 triệu euro.
Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước Việt Nam hạn hẹp, nên số tiền này chúng tôi cũng sẽ tự lo theo phương thức xã hội hóa và PPP. Đổi lại Chính phủ cho chúng tôi được quyền khai thác, bảo tồn phát triển du lịch cầu Long Biên theo thời gian tương ứng với số tiền đã bỏ ra. Lộ trình thực hiện dự án là 3 năm.
- Cảm ơn bà.
Bình luận