• Zalo

Một cổ phiếu tăng giá hơn 100% trong tuần chứng khoán lao dốc

Tài chínhThứ Bảy, 04/12/2021 13:35:00 +07:00Google News

Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong tuần qua nhưng vẫn có một số cổ phiếu bứt phá, thậm chí tăng hơn 100% chỉ sau vài phiên giao dịch.

Trong tuần giao dịch 29/11-3/12, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá tiêu cực do những lo ngại về sự lây lan của biến chủng Omicron trên toàn cầu. VN-Index ghi nhận 4 phiên giảm điểm và chỉ một phiên tăng nhẹ.

Đáng chú ý trong phiên cuối tuần, chứng khoán lao dốc mạnh khi các ca nhiễm Omicron xuất hiện tại Đông Nam Á. Các chỉ số đại diện cho cả 3 sàn giao dịch đều bốc hơi khoảng 2-2,6% với sắc đỏ tràn ngập trên thị trường.

Tính chung cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng gần 50 điểm (3,33%) xuống còn 1.443,32 điểm. Tương tự khi HNX-Index giảm 2,04% về 449,27 điểm và UPCoM-Index giảm 1,95% xuống 112,11 điểm.

Một cổ phiếu tăng giá hơn 100% trong tuần chứng khoán lao dốc - 1

Diễn biến VN-Index trong tuần 29/11-3/12. (Đồ thị: TradingView)

 

Bốc hơi hơn 8 tỷ USD vốn hóa

Việc thị trường diễn biến tiêu cực khiến giá trị vốn hóa trên các sàn chứng khoán giảm mạnh. Quy mô niêm yết tại sàn lớn nhất cả nước HoSE rơi về mức 5,62 triệu tỷ đồng, tương đương giảm 3,17% (gần 184.000 tỷ đồng - hơn 8 tỷ USD) so với tuần trước.

Thanh khoản cũng trở nên đáng ngại khi liên tục nằm dưới mức trung bình 20 ngày gần nhất. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 148.470 tỷ đồng, giảm gần 11% so với tuần trước đó. Dù vậy mức giao dịch bình quân vẫn đạt mức gần 29.700 tỷ đồng/phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng gây tác động xấu khi tiếp tục chuỗi bán ròng mạnh với giá trị hơn 3.300 tỷ đồng trên các sàn niêm yết.

Xét theo mức độ đóng góp, cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch ảm đạm với nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh với mức 6-10% là nhóm có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số.

Trong đó riêng VCB giảm 6,7% trong tuần đã lấy đi gần 6 điểm giảm của chỉ số chính. Các vị trí tác động tiêu cực tiếp theo là VPB và BID cũng thuộc nhóm ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, đóng góp tích cực nhất là VIC của Vingroup khi góp hơn 7 điểm cho thị trường nhờ mức tăng 7,11% trong tuần. Các vị trí có đóng góp tiếp theo là DHG, VGC nhưng mức độ ảnh hưởng không quá lớn.

 

Xét về mức độ tăng giá, cổ phiếu tăng nhanh nhất trên sàn HoSE (biên độ dao động 7%/phiên) thuộc về mã CIG của Công ty cổ phần Coma18. Cổ phiếu này tăng hơn 22,3% trong tuần vừa qua với 3 phiên gần nhất kết phiên trong sắc tím.

Bên cạnh đó các mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai, MCG của Năng lượng và Bất động sản MCG, CRE của CenLand cũng bứt phá hơn 20% trong tuần.

Diễn biến tiêu cực nhất trên sàn HoSE là cổ phiếu SJF của Đầu tư Sao Thái Dương khi nằm sàn 5 phiên liên tiếp, tương đương mất hơn 30% giá trị.

Đứng tiếp theo về mức độ giảm giá là TNI của Tập đoàn Thành Nam, IDI của công ty Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI đều giảm trên 20% với chuỗi 5 phiên tăng trần. Đáng chú ý 3 mã thuộc nhóm đầu cơ này đều có lượng dư bán sàn lớn, do đó nhà đầu tư vẫn rất khó "thoát hàng" dù có lãi trong đợt tăng nóng trước đó.

Giá tăng hơn 100%

Bất chấp thị trường chung tiêu cực, thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận một mã chứng khoán bứt phá tăng bằng lần trên sàn giao dịch UPCoM (có biên độ dao động lớn nhất 15%/phiên).

Cổ phiếu DAR của công ty Xe lửa Dĩ An ghi nhận 4 phiên tăng trần liên tiếp lên thị giá 7.400 đồng, tương đương tăng gần 106% trong tuần vừa qua, đứng đầu về mức độ tăng giá trên toàn thị trường.

Đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ chỉ 65 tỷ đồng, chuyên về sửa chữa và đóng mới toa xe các loại, sản xuất phụ tùng toa xe và các sản phẩm cơ khí khác. Thực tế cổ phiếu DAR không có giao dịch từ tháng 8 đến nay nhưng bất ngờ tăng mạnh trong 4 phiên vừa qua với lượng dư mua hàng chục nghìn cổ phiếu.

Đứng tiếp theo về mức độ tăng giá trên UPCoM phải kể đến mã TAG của Thế giới số Trần Anh với mức xấp xỉ 100% hay VHH của Đầu tư Kinh doanh nhà Thanh Đạt cũng bứt phá 94% sau 5 phiên tăng trần.

 

Trên sàn niêm yết quy mô nhỏ HNX (biên độ dao động 10%/phiên), cổ phiếu tăng nhanh nhất là LDP của Dược Lâm Đồng (Ladophar) với sự bứt phá gần 60% nhờ 5 phiên tăng trần liên tiếp.

Đáng chú ý khi LDP đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp lên thị giá 32.400 đồng, tương đương với việc có thêm hơn 130% giá trị. Lượng dư mua trần lên đến hàng trăm nghìn cổ phiếu

Đà bứt phá của LDP đến sau thông tin Nguyễn Kim Group đăng ký thoái toàn bộ gần 54% vốn Ladophar và công ty bầu mới tổng giám đốc Nguyễn Mai Long - một lãnh đạo chủ chốt từ Louis Holdings.

Các mã tăng tốt tiếp theo trên sàn HNX là L43 của công ty Lilama 45.3, VMC của công ty Vimeco, VC6 của công ty Xây dựng và Đầu tư Visicons.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn