“Người yêu đã đi lấy chồng”
Câu chế của cộng đồng nhiếp ảnh Hà Nội dành cho Chiều Xuân lấy từ tên một bộ phim rất nổi tiếng mà chị từng tham gia. Vai Na của Chiều Xuân trong phim này đã giúp chị giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắcnhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. “Người yêu đi lấy chồng” để chỉ sự mê đắm của chị dành cho “tình mới” nhiếp ảnh, đến gần như “phụ bạc” nghề diễn.
Chiều Xuân bắt đầu chính thức dùng máy ảnh như một phương tiện sáng tác từ hai năm COVID-19 trở lại đây. “Rảnh quá không có việc gì làm nên sa đà vào nhiếp ảnh. Tính tôi chậm, lại ở tuổi này mới đụng đến máy móc kỹ thuật nên học lâu hơn người thường. Những thao tác mà một bạn trẻ học một lần là nhớ thì tôi cứ phải học ba lần, toát mồ hôi đúng nghĩa đen”, chị hài hước kể.
Chiều Xuân là một diễn viên hay làm cho người khác bất ngờ. Trước đây, chị từng khiến tôi không tin được khi ngoài 40 tuổi mới quyết định học tiếng Pháp để qua Pháp học ngành đạo diễn. Chuyện chị học tiếng lắm gian nan tôi từng kể ở một số bài báo, riêng một chi tiết khiến tôi ấn tượng hơn cả là chị bảo: mặc dù ở đó mấy năm nhưng giờ chị nói vẫn không siêu lắm đâu, nhưng chị không ngại, ngay cả việc chị già nhất lớp học tiếng, sang Pháp từng bị cô mắng phát khóc chị còn không ngại, không biết thì học thôi, sĩ diện gì!
Với tâm lý “không biết thì học thôi” nên dù nhìn vẻ ngoài lúc nào cũng đủng đỉnh thong dong, tốc độ nhả âm chậm như ngâm thơ, thì Chiều Xuân vẫn là một diễn viên “đi chậm nhưng luôn tiến về phía trước”. Vì tinh thần ham học của chị, và cả khao khát làm mới liên tục của một nghệ sĩ. Chiều Xuân không chỉ học tiếng Pháp, sau này, chị còn học tiếng Anh, tiếng Đức.
Có nhiều thứ học xong “chả để làm gì”, ngay cả ngạch đạo diễn của chị cũng chưa được tận dụng triệt để, nhưng Chiều Xuân chưa bao giờ hối tiếc vì thời gian công sức đã bỏ ra. “Nó đều bổ trợ cho công việc và cuộc sống của tôi, dù ở khía cạnh này hay khía cạnh khác”, chị nói thế.
Trở lại với đam mê mới của Chiều Xuân, nhiếp ảnh đến với chị gần như một món quà. Nó giúp thời gian bị giam chân ở nhà vì dịch bệnh của chị trở nên có ý nghĩa.
Cứ ngồi túc tắc nghiên cứu kỹ thuật, cách dùng photoshop, cách lấy sáng, lấy nét mà dịch qua đi lúc nào không biết. Khi cuộc sống bình thường trở lại, chị chụp như muốn lưu trữ lại tất cả những khoảnh khắc ấm áp, đẹp đẽ của cuộc sống.
Đóng khung nó trong từng khuôn hình, rồi rảnh rỗi thì đem khoe với bạn mạng, như một cách thể hiện thái độ sống của chị, góc nhìn của chị, nhân sinh quan của chị.
“Rất ấm áp, rất dịu dàng, rất nữ tính, ảnh chị Xuân giống như con người chị, nhìn là thấy ngay”, nhiếp ảnh gia Trần Thanh nhận xét.
Nhiếp ảnh gia Chiều Xuân
Là tay mới của nhiếp ảnh, nhưng có lẽ vì sự nhạy cảm với các khuôn hình, các tác phẩm của Chiều Xuân luôn có bố cục rất chặt, ánh sáng thường len theo một đường biên rất nhẹ, nhưng lại làm cả bối cảnh bừng lên.
Chiều Xuân kể, nhiếp ảnh là một khoảnh khắc của điện ảnh, chị không xa lạ với nó, và đây là một cách thể hiện tình yêu điện ảnh khác của chị.
Mới đây nhất, tác phẩm Hoàng hôn trên đèo Ô Quy Hồ của Chiều Xuân đã vượt qua hơn 50.000 bức ảnh khác để lọt vào top 50 của trang ảnh Quốc Tế Agora. Những giải thưởng nho nhỏ tương tự khác, Chiều Xuân cũng đã gặt hái không ít. Đơn cử: bức Gánh gánh gồng gồng của chị được nhóm ảnh đường phố The World Wide Street Photography Club lựa chọn là ảnh đẹp trong ngày; bức Hoàng hôn không cô đơn của Chiều Xuân được lựa chọn vào bộ sưu tập ảnh đường phố của Group The World Wide Street Photography Club; Hoa Phượng được các NAG và khán giả bình chọn trong cuộc thi chụp hoa lá cành của Sigma Việt Nam, bức Múa ballet được chọn triển lãm ở Bangkok, Thái Lan... Thú vị hơn cả là bức Đồi chè Long Cốc ngày sương giăng được chấp nhận giới thiệu bán trên Getty Images (kho ảnh trực tuyến lớn nhất thế giới).
“Không thể tưởng tượng được, một ngày mình cũng tham gia thi này nọ một cách rất thoải mái”, Chiều Xuân cảm thán.
Tôi từng nghĩ kiểu người “Hà Nội cổ”: Đi chậm, nói chậm, cười chậm như Chiều Xuân sẽ chỉ loanh quanh chụp hoa lá, tĩnh vật là cùng, thế nhưng đối tượng chị thích chụp nhất lại là cuộc sống đường phố. Những ngày giãn cách, cứ bốn ngày đi chợ một lần, Chiều Xuân cũng mang theo máy ảnh để thấy khoảnh khắc nào ưng ý thì “chớp” ngay.
Chị giải thích: “Đối với tôi, nhiếp ảnh đường phố là sự tiếp nối của những câu chuyện trong những thước phim điện ảnh. Nếu phim ảnh là dàn dựng thì nhiếp ảnh đường phố là cuộc sống muôn hình muôn vẻ được diễn ra một cách tự nhiên và ngẫu nhiên mà điện ảnh luôn muốn được chân thực như vậy.
Cuộc sống đời thường luôn có rất nhiều sắc màu, là thứ mà nghệ thuật hướng đến. Nó ở khắp nơi, nhưng quan trọng là người ta có nhìn thấy hay không, có may mắn gặp những khoảnh khắc đắt giá hay không”.
Là mẹ của hai cô con gái “rất nhanh rất nguy hiểm”, Chiều Xuân nói rằng, chị luôn phải cố gắng bắt kịp, cố gắng để không bị lạc hậu quá so với con. Cho nên, chơi với người trẻ, giúp đỡ người trẻ, tương tác với người trẻ trở thành một nhu cầu của chị.
Thời gian trước, trong danh sách 4 bộ phim ngắn của các đạo diễn trẻ được Trung tâm Phát triển tài năng điện ảnh trẻ và BHD phát hành miễn phí trên kênh YouTube Film Box, nhiều người rất ngạc nhiên vì thấy một gương mặt gạo cội như Chiều Xuân lại đồng ý nhận một vai rất nhỏ trong phim Tôi là thằng khốn của Nguyễn Hoàng Nhật.
Bộ phim mang phong cách hài kịch đen, kể về một đạo diễn trẻ khao khát được làm phim với những kịch bản kì dị chỉ kéo dài chưa đầy 30 phút và vai diễn của Chiều Xuân chỉ kéo dài vài phút nhưng chị vẫn nhận lời tham gia. Về sau, phim được giải Búp Sen Vàng - lần nữa chứng minh “con mắt xanh” của diễn viên Mẹ chồng tôi.
Bình luận