Theo nhận định của Moody’s, việc nâng cấp xếp hạng tín nhiệm của FE CREDIT bắt nguồn từ kỳ vọng công ty sẽ nhận được sự hỗ trợ từ SMBCCF trong nhiều trường hợp, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro khi công ty phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn (wholesale funding) đồng thời hỗ trợ tính thanh khoản cho công ty.
Song song với đó, Moody's cũng kỳ vọng vào khả năng rất cao FE CREDIT sẽ nhận được sự hỗ trợ từ VPBank, công ty mẹ sở hữu 50% cổ phần tại FE CREDIT cũng như tầm quan trọng đối với chiến lược bán lẻ của VPBank trong thời điểm hiện tại.
Dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng việc được Moody’s nâng hạng tín nhiệm vẫn cho thấy sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế vào khả năng kiểm soát thanh khoản, tình hình tài chính ổn định và triển vọng bứt phá của FE CREDIT. Cũng theo nhận định của SSI Research mới đây, mặc dù FE CREDIT đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng khả năng hồi phục dần được kỳ vọng trong năm 2022.
Được biết, trước đó vào cuối tháng 10/2021, VPBank đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE CREDIT cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.
Thông qua thương vụ này, FE CREDIT được giới tài chính kỳ vọng tiếp nhận kinh nghiệm phong phú về quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng từ SMBC, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực này tại Nhật Bản và có nhiều công ty con về tài chính tiêu dùng ở Trung Quốc, Thái Lan.
Đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ tận dụng cơ hội này để huy động mới hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại của mình để có được nguồn vốn rẻ từ đó giúp cải thiện chi phí huy động vốn cũng như khả năng sinh lời.
Ông Jun Ohta, Tổng giám đốc Tập đoàn SMBC nhận định đây là thương vụ đầu tư có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính ngân hàng của Việt Nam. Thương vụ đầu tư này không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE CREDIT mà còn là minh chứng cho niềm tin của Tập đoàn SMBC vào sự phát triển của Việt Nam.
Bình luận