• Zalo

Mong ước cuối đời của lão nông hơn 40 năm đi 'xin' được làm thương binh

Thời sựThứ Ba, 25/07/2017 11:08:00 +07:00Google News

Tất cả những kỷ vật thời chiến của ông Gẫm đã nhàu nhĩ ố màu thời gian, sức khỏe ông đã yếu dần nhưng hơn 40 năm qua ông vẫn phải đi 'xin' để được làm thương binh.

Cha mẹ lập bàn thờ vì tưởng con đã hi sinh

Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm tuốt cuối con đường làng hai bên tre nứa vươn lên thẳng tắp ở xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre vợ chồng người cựu binh già Phan Văn Gẫm sống bình lặng cơ cực nhưng hồn hậu chất phác.

Ông Gẫm, năm nay đã gần 80 tuổi, 2 mắt đã kèm nhèm không nhìn rõ mặt người, đôi chân cũng trở nên yếu hơn. Bà Nguyễn Thị Tuôi (83 tuổi, vợ ông Gẫm) nhìn chồng rướm lệ: “Ổng hồi trước tham gia cách mạng, bị thương, một viên đạn xuyên ngực gần chạm phổi và một vết đạn ở đùi đến nay vẫn chưa lấy ra được nên trái gió trở trời lại đau nhức. Ấy vậy, hơn 40 năm nay, ổng vẫn chưa được cấp chế độ gì”.

Video: Cựu chiến binh kể về quá trình hơn 40 năm đi "xin" làm thương binh

Người cựu chiến binh già hồi tưởng về quá trình tham gia chiến đấu của mình: Năm 1960 ông tham gia cách mạng lấy bí danh Bảy Hùng, lúc đó ông mới chưa tròn 22 tuổi. Từ năm 1961 đến 1962 là du kích xã. Năm 1962 đến 1963 ông chuyển công tác về đơn vị phòng không không quân 261, chức vụ tiểu đội trưởng, cấp bậc hạ sĩ.

Từ năm 1964 đến 1965 thành lập A100, chức vụ trung đội trưởng, cấp bậc chuẩn úy. Năm 1970 đến năm 1971, ông làm nhiệm vụ bảo vệ kho đạn, chức vụ trung đội trưởng Z109c. Năm 1973 đến 1975 ông chuyển về trung đoàn Cửu Long giữ chức vụ Đại đội phó, cấp bậc Trung úy, Trung đoàn trưởng Cửu Long.

anh 2.2

 Ông Phan Văn Gẫm năm nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe đã suy yếu dần. (Ảnh: Dương Thương)

Tháng 6/1975, trong trận chiến ở biên giới Tây Nam (tỉnh Svay Riêng, Campuchia), ông bị thương gẫy tay phải, mảnh đạn xuyên qua lưng chạm phổi, hiện còn mảnh đạn ở đùi chưa được lấy ra. Sau khi bị thương, ông Gẫm nằm điều trị ở bệnh viện quân khu 9 đến tháng 10/1975.

Năm 1976, ông trở về Trung đoàn Hồng Ngự nhưng do sức khỏe yếu, trình độ văn hóa thấp nên ông được phục viên trở về địa phương. Trong quá trình tham gia cách mạng, năm 1974 ông vinh dự được Mặt trận dân tộc giải phóng trao tặng các huân chương chiến công hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Sau ngày phục viên trở về, ông tham gia công tác ở nhiều vị trí cho đến ngày nghỉ hưu.

anh 1.1

 Những kỷ vật còn sót lại được ông cất giũ cẩn thận nâng niu như báu vật. (Ảnh: Dương Thương)

Người cựu binh vẫn còn xúc động nhớ lại: “Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng thì đơn vị tui còn ở chiến trường biên giới Tây Nam. Tháng 6/1975 tôi bị thương, phải nằm viện 4 tháng, lúc đó mất hết liên lạc với gia đình. Sau giải phóng, ba má tôi ở quê không thấy tui về, ai nấy đều tưởng tui đã chết, khóc cạn hết nước mắt. Ba má tui lập bàn thờ viết tên tui để ở giữa nhà. Năm 1976, tui về, ba má họ hàng đều vừa khóc vừa sờ tay sờ chân xem tui là người hay ma”.

Hơn 40 vẫn chưa được công nhận thương binh

Nhắc đến những kỷ niệm thời chiến đấu, người cựu chiến binh lật đật mở hộp tráp, ông chỉ tay vào từng kỷ vật chỉ rõ vanh vách “đây là huân chương chiến công hạng 3, đây là huân chương hạng nhì và giấy chứng nhận...”. Tất cả đã nhàu nhĩ ố màu thời gian nhưng đều được ông nâng niu cất giữ như báu vật của cuộc đời mình.

Ông Gẫm run run kể: “Ngày đó chiến tranh loạn lạc không ai nghĩ mình có thể sống sót trở về, lúc đó bản thân tui lại bị thương nặng nên nhiều giấy tờ gốc lúc nhập ngũ của tôi bị mất. Hiện tui chỉ giữ được chừng này, đối với tui nó vô cùng quý giá”.

IMG_7713 3

 3 giấy chứng nhận huân chương chiến công hạng nhất, nhì, ba của ông Gẫm. (Ảnh: Dương Thương)

Cũng vì mất một số giấy tờ gốc, nên quá trình “xin” cấp chế độc thương binh của ông Gẫm gặp rất nhiều khó khăn. Ông lão nhớ lại: “Từ năm 1976, tui đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp giấy giới thiệu để được công nhận chế độ. Tui đưa hồ sơ lên các Sở ban ngành hỏi thủ tục, mất rất nhiều thời gian để tìm lại chỉ huy, đồng đội cũ để họ xác nhận cho tui từng tham gia chiến đấu ở đơn vị”.

Ông Nguyễn Hùng Sơn cấp bậc đại úy (một đồng đội của ông Gẫm) viết vào ngày 13/11/1995 “... trước đây tôi là trung đoàn phó E Cửu Long Biên Phòng QK8 cũ, xác nhận: Đồng chí Phan Văn Gẩm cấp bậc trung úy là trợ lý Ban tham mưu cua E Cửu Long, có tham dự tác chiến ngày 11/6/1975 với quân Khơ Me đỏ ở Campuchia thuộc tình Soài Riêng (Svay Riêng). Đồng chí Gẫm đã bị thương gãy tay phải và miếng đạn xuyên phổi và đùi chân phải (chưa được khám thương).

IMG_7706 4

 Những huân chương được ông nâng niu như báu vật. (Ảnh: Dương Thương)

Ông Sơn cam kết: “Tôi làm giấy xác nhận này với trách nhiệm phụ trách chỉ huy của Trung đoàn lúc ấy và biết rõ sự thật. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trường hợp bị thương của đồng chí Gẫm”. Không chỉ ông Sơn, nhiều đồng đội khác cũng xác nhận và cam kết với nội dung tương tự.

Ngày 5/3/1997, Quân khu 9 (thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam) cấp giấy chứng nhận bị thương cho ông Gẫm với xác nhận: bị thương 1 vết ở đùi phải, 1 vết ở lưng phải, vào phổi, gãy xương tay phải vào ngày 11/6/1975; nơi bị thương Campuchia; trường hợp bị thương “chiến đấu”.

Căn cứ vào giấy chứng nhận bị thương trên, ông Gẫm được đề nghị giám định thương tật. Tuy nhiên theo ông Gẫm hiện nay ông vẫn chưa được đi giám định thương tật do Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Bến Tre cho rằng ông thiếu hồ sơ gốc.

anh 1.3 5

 Vợ chồng ông Gẫm hiện đều đã tuổi cao sức yếu. (Ảnh: Dương Thương)

“Hồi đó sức khỏe kém, lại không có xe, phải nhờ thằng cháu ngoại chở tui đi ròng rã cả mấy tháng trời, hàng trăm lần đi về rồi làm lại. Khi tui nhận được giấy đề nghị giám đinh thương tích của quân khu, tui đã thở phào nhưng cuối cùng cho đến nay tui vẫn chưa được đi giám định. Giờ tui đã tuổi cao sức yếu, trái gió trở trời thì vết thương lại đau ê ẩm không thể chợp mắt. Cuối đời rồi, tui không biết còn sống được bao ngày, tui chỉ hi vọng ở tỉnh và Nhà nước xem xét cho tui...”

Ông Đặng Hoàng Thu - Phó chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Đại Hòa Lộc xác nhận: Trường hợp của ông Phan Văn Gẫm, sau khi thấy đủ cơ sở, năm 1995 UBND xã đã có văn bản đề nghị cho ông hưởng chế độ thương binh nhưng đến nay không hiểu sao vẫn chưa được xét duyệt.

Liên hệ với Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Bến Tre, bà Châu Thị Thúy Hằng - Phó trưởng phòng Chính sách Người có công cho biết: Sau khi kiểm tra, xác định không có hồ sơ của ông Phan Văn Gẫm lưu tại Sở. Đại diện Sở LĐTBXH đề nghị phóng viên liên hệ với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để làm việc.

Đại Úy Trần Huyền Vi - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre xác nhận: Tỉnh đội đã nhận được đơn và hồ sơ của ông Gẫm, hiện đang trong quá trình xác minh. Nếu thông tin là đúng phía tỉnh đội sẽ nhanh chóng hỗ trợ ông Gẫm đi giám định vết thương và cấp chế độ theo quy định.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn