• Zalo

Món ăn, bài thuốc chữa bệnh từ quả cam

Tư vấnThứ Sáu, 13/09/2024 07:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cam là một trong những loại trái cây có múi quen thuộc, cam ăn mát bổ, tăng cường sức khỏe và còn là vị thuốc trong y học cổ truyền.

Công dụng của quả cam

Bài viết của Lương y Minh Phúc trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, theo y học cổ truyền quả cam có những tác dụng dưới đây:

- Quả cam vị ngọt chua, tính mát; tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu.

- Vỏ quả cam vị cay, mùi thơm, tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hóa. Vỏ cam hàm lượng caroten nhiều, 0,93 - 1,95% tinh dầu, có thể dùng làm thuốc kiện tỳ và điều tiết hương thơm. Vỏ cam tác dụng khoan hung, giáng khí, chữa ho, tan đờm… hiệu nghiệm với viêm phế quản mạn tính.

Vỏ quả cam có thể dùng thay vỏ quýt nhưng tác dụng kém hơn, làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng, đầy bụng, ợ chua, đi ngoài.

Vỏ tươi dùng xát vào mặt hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Uống nước vỏ cam nấu chín có tác dụng làm tăng nhu động ruột, chống bệnh táo bón.

Bên cạnh đó, người ta có thể dùng vỏ cam phơi khô, sau đó cho vào túi thơm, treo trong phòng ngủ, nhà bếp hoặc tủ quần áo; có tác dụng kích thích ngủ ngon giấc, đuổi muỗi, làm sạch không khí.

- Vỏ cây cam vị ngọt, hơi the, tính mát; có tác dụng hạ khí đầy, điều hòa tỳ vị.

- Lá cam dùng chữa tai chảy nước vàng hay máu mủ. Lá cam thường dùng cất tinh dầu và nước cất hoa cam dùng pha chế thuốc.

Thành phần hóa học của cam: Trong cam tươi có nước 87,5%, protid 0,9%, glucid 8,4%, acid hữu cơ 1,3%, cellulose 1,6%, calcium 34mg%, sắt 23mg%, caroten 0,4mg%, vitamin C 40mg%. Quả là nguồn vitamin C, có thể tới 150mg trong 100g dịch.

Ở Ấn Độ, dịch quả cũng được dùng trong điều trị bệnh mật và tiêu chảy ra máu.

- Hạt cam: Hạt cam có thể dùng làm mặt nạ bằng cách lấy 2 thìa hạt cam cho vào máy xay nhuyễn, hòa lẫn với nước cất chế thành mặt nạ dạng hồ, dùng đắp mặt giúp nâng cao sức đề kháng của các mao mạch làn da, đạt mục đích co, se niêm mạc và da, hạn chế được mụn trứng cá. Tuần đắp 1-2 lần.

Hạt cam phơi khô dưới bóng râm mát đem rang vàng, sau đó tán bột hòa uống 3 - 5g với nước đun sôi để nguội giúp điều trị phong thấp.

Quả cam rất tốt cho sức khoẻ

Quả cam rất tốt cho sức khoẻ

Món ăn bài thuốc chữa bệnh từ quả cam

Báo Dân trí dẫn lời lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngoài việc dùng để làm món tráng miệng, chúng ta có thể tận dụng những quả cam căng mọng làm thuốc chữa bệnh siêu đơn giản theo hướng dẫn dưới đây:

- Làm thuốc giải nhiệt trị sốt, điều trị chứng xuất tiết, giúp ăn ngon miệng, giải rượu:Vắt nước cam, hòa thêm một chút nước lọc và thưởng thức giúp trị hiệu quả những chứng bệnh này.

- Miệng khát họng đau, ho khạc nhiều đờm: Cam tươi vắt lấy nước cốt, cho thêm nước cúc hoa vào dùng sẽ giúp sinh tân giải khát, thanh nhiệt giải độc, sơ tán phong nhiệt, khai vị tiêu thực, ly khí tan đờm.

- Chữa táo bón:Vỏ cam 250g, cho 2 bát nước vào nấu nhừ, ăn dần trong ngày.

- Chữa chứng phù thũng ở sản phụ: Vỏ cam phơi khô, tán bột, mỗi lần uống một thìa cà phê bột này với 30 ml rượu nếp, uống mỗi ngày 3 lần trong 3-5 ngày.

- Chữa đầy hơi, khó tiêu:Vỏ cam 250g thái nhỏ, lách lợn 1 cái để nguyên, cho vào 3 bát nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn một bát, dùng cả nước lẫn cái.

- Hỗ trợ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết:Nước ép quả cam, uống mỗi ngày 3 lần mỗi lần 1 quả 250g.

- Chữa chứng ăn không ngon miệng:Vỏ cam 250 g, gừng già 50 g, tất cả phơi khô, tán bột, trộn đều và uống ngày 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần 1 thìa cà phê, liên tục trong 3-5 ngày.

- Điều trị phong thấp:Hạt cam phơi khô dưới bóng râm mát đem rang vàng, sau đó tán bột hòa uống 3 - 5g với nước đun sôi để nguội.

Trên đây là một số món ăn bài thuốc chữa bệnh từ quả cam. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn