• Zalo

Mỗi năm 1 tỷ USD, Hà Nội hết tắc đường

Thời sựThứ Ba, 01/11/2011 04:21:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên viên nghiên cứu giao thông của Bộ Giao thông vận tải.

(VTC News) - Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Chuyên viên chỉ đạo vận tải hành khách của Bộ Giao thông vận tải cho rằng với số tiền đầu tư như trên vào đường sắt đô thị, Thủ đô sẽ không còn cảnh tắc đường.

TS. Nguyễn Xuân Thủy. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Chuyên viên chỉ đạo vận tải hành khách (tiền thân của Vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải), với kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng, đường sắt đô thị có thể coi là phương tiện tối ưu với các đô thị trên 1 triệu dân, trên thế giới các thành phố từ 1 triệu dân trở lên đều có tàu điện ngầm.

Theo TS. Thủy, năng lực vận chuyển cao nhất của 1 tuyến có thể đạt 20 - 30 vạn khách/ ngày, bằng khoảng 500 xe buýt.

PV - Ông đánh giá thế nào về lộ trình đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị hiện nay tại Hà Nội và TP. HCM?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Tôi nhớ từ cách đây hơn 20 năm trước người ta đã nói tới việc cần thiết phải xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, nhưng nói thì cứ nói, còn việc triển khai quá chậm.

Đáng lẽ từ năm 2000, nước ta phải có tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, và giờ phải có ít nhất khoảng 20km. Tương lai đến năm 2050 Hà Nội và TP. HCM mỗi nơi phải có ít nhất từ 80 - 100km đường sắt đô thị.

Gần như Việt Nam là nước duy nhất có các thành phố khoảng 10 triệu dân (TP. HCM hơn 10 triệu người, Hà Nội gần 10 triệu người) nhưng không có tuyến đường sắt đô thị nào. Trong khi xe buýt Hà Nội chỉ tương xứng với thành phố 30 - 50 vạn dân.

Tôi cũng lấy làm lạ là tại sao cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến văn hóa giao thông, phân luồng, bịt ngã tư, cải tạo nọ kia, đấy là những việc làm mang tính manh mún.

Cả hệ thống giao thông đô thị hiện nay xét về tính hiệu quả, hiện đai chậm 25-30 năm so với yêu cầu thực tế.

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm trễ đó?

Giờ chúng ta phải xác định đâu là ưu tiên, trong khi giao thông đô thị rất bức xúc, nhưng ngành giao thông lại không đưa giao thông đô thị vào diện ưu tiên đầu tư, mà đầu tư rất nhiều cho các tuyến cao tốc kết nối khi chưa thật sự cần thiết.

Nếu lấy do tài chính ra để biện minh thì chưa thỏa đáng. Nhiều người vẫn nghĩ tàu điện ngầm là cái gì đó quá xa xôi với Việt Nam. Nhưng, mỗi năm ngành giao thông đầu tư 30 - 40 ngàn tỉ đồng (2 tỉ USD) dành cho giao thông, trong khi chỉ cần dành ra mỗi năm khoảng 500 triệu đô la, sẽ đảm bảo có đường sắt đô thị ngay.

Nếu nói thiếu vốn, sao đường ngầm qua sông Sài Gòn vẫn xây được, trong khi tuyến đường này vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, nước nghèo thì nên chọn phương án hợp lý, trong khi có thể xây cầu để tiết kiệm chi phí sao lại phải làm hầm?

Hiện nay Hà Nội đang dự tính xây quá nhiều cầu qua sông Hồng, mà theo tôi chỉ nên làm 6 cầu là đủ, phần vốn còn lại có thể đầu tư cho giao thông nội đô, tàu điện ngầm. Mỗi năm dành từ 500 triệu - 1 tỉ USD đường phố sẽ thông thoáng, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

11 chiếc cột trụ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên hồ Đống Đa cơ bản đã xây xong. Ảnh: Hà Thành.
- Vậy ông có đề xuất gì để cải thiện tình trạng chậm trễ trong đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị nói riêng, và cải thiện giao thông đô thị nói chung?

Những hệ thống công trình xây dựng cho giao thông đô thị phải ưu tiên loại một trong hệ thống giao thông vận tải hiện nay. Ưu tiên vốn, nhân lực, kiểm tra thường xuyên. Thậm chí cần phải có đồng hồ đếm ngược đối với các dự án đường sắt đô thị, để đẩy nhanh tiến độ, vì có nó sẽ giảm đáng kể ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.

Đồng thời, chúng ta cần đầu tư xây dựng các tuyến tàu điện và xe buýt ngoại thành có thể liên thông, thuận lợi cho người dân đi lại.

Song song với đó là áp dụng giải pháp tình thế, như: xây dựng cầu vượt tại các ngã tư, điểm đen thường xuyên ùn tắc; tổ chức vận tải, phân luồng; hiện đại hóa ngay hệ thống giao thông công cộng; nâng cấp và hiện đại hóa tín hiệu giao thông, tiến tới giao thông thông minh; xử phạt nghiêm túc; nâng cao ý thức người tham gia giao thông…

Trong vấn đề hạn chế xe cá nhân, cần dùng phương tiện công cộng tốt để cạnh tranh với phương tiện cá nhân…

Xin cảm ơn ông!

Lê Việt (thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn