Mới đây, Tập đoàn Nhật Bản AEON và Công ty cổ phần Nhất Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart đã hoàn tất đàm phán nhượng lại chuỗi siêu thị Fivimart cho một doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, Fivimart đã thông báo thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng. Kể từ ngày 28/9, Fivimart sẽ chỉ sử dụng logo Fivimart mà không đặt kèm logo AEON. Như vậy, mối lương duyên “lạ” nhiều kỳ vọng AEON – Fivimart chấm dứt sau 4 năm nhiều thăng trầm.
Mối lương duyên “lạ”
Thị trường bán lẻ Việt Nam bùng nổ trong suốt thập kỷ qua. Vì vậy, 2015 là năm được đánh giá là “đất chật người đông” trên thị trường này. Những “người đến sau” không dễ để tìm được chỗ đứng.
Nhận thức được điều này, AEON, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đã tìm một con đường đi được đánh giá là nhiều tiềm năng. Đó là hợp tác với các ông lớn sẵn có ở Việt Nam. Fivimart và Citimart là 2 đối tác được AEON lựa chọn. Trong khi Citimart có thị phần lớn ở TP.HCM thì Fivimart lại có hệ thống khá vững chắc tại Hà Nội.
Đầu năm 2015, AEON thông báo đã đặt chân vào cả Citimart Fivimart. Trong đó, AEON mua lại 30% cổ phần của Fivimart. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng người trong ngành bán lẻ dự báo đây chắc chắn sẽ là con số không nhỏ vì thời điểm đó, Fivimart là cái tên đáng gờm trên thị trường bán lẻ.
Hai thương vụ này được đánh giá là động thái lạ của AEON vì từ trước tới nay, AEON nổi tiếng với chiến lược tiếp cận một mình. Tập đoàn không liên doanh, liên kết với hãng bán lẻ nội nào, hướng đi của Aeon là tự phát triển chuỗi siêu thị riêng.
Tuy nhiên, riêng tại Việt Nam, AEON lại kết hợp cả hình thức “truyền thống” của mình và đi theo con đường mới lạ, hợp tác với 2 chuỗi sẵn có. AEON kỳ vọng hoạt động tại Việt Nam sẽ giúp AEON tấn công sang các thị trường khác ở Đông Nam Á.
AEON ngày càng thịnh
Không phải đến khi hợp tác với Citimart và Fivimart, AEON mới hoạt động tại Việt Nam. Ông lớn bán lẻ Nhật Bản AEON đã nhận ra sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam từ rất lâu. Vì vậy, AEON chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức Văn phòng Đại diện.
Đến năm 2011, Công ty TNHH AEON Việt Nam chính thức được thành lập, đầu tư cho các hoạt động về xây dựng, tổ chức, quản lý và kinh doanh các mô hình Trung tâm thương mại, Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị hiện đại. Vốn điều lệ của công ty là 192,38 triệu USD.
Ngay sau khi trở thành Công ty TNHH AEON Việt Nam, AEON gây chú ý khi hợp tác với Trung Nguyên. Sản phẩm “đầu tay” là cửa hàng tiện ích Ministop. Ministop từng được chú ý khi ông chủ Trung Nguyên nhiều lần chia sẻ về kỳ vọng cho chuỗi tiện ích này. Thế nhưng, Ministop chưa mang lại trái ngọt cho cả Trung Nguyên và AEON.
Cùng lúc đó, AEON đã bắt tay xây dựng Trung tâm mua sắm AEON – Tân Phú Celadon tại TP.HCM và Trung tâm mua sắm AEON – Binh Dương Canary tại Bình Dương.
Trong năm đầu tiên vận hành các chuỗi trung tâm mua sắm, AEON Việt Nam đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng nhưng lại báo lỗ 112 tỷ đồng. Đây cũng là chuyện bình thường vì một chuỗi phân phối khó có thể tìm kiếm được lợi nhuận ngay trong đầu hoạt động.
Có mặt tại Việt Nam từ rất sớm và biết kết hợp nhiều hình thức đầu tư khác nhau nhưng phải đến khi khai trương thêm AEON Long Biên tại Hà Nội, ông lớn AEON mới thực sự phổ biến tại Việt Nam. Hình ảnh người tiêu dùng xếp hàng để được vào trung tâm mua sắm AEON Long Biên đã trở thành một sự kiện lớn của ngành bán lẻ.
Sau khi AEON Long Biên hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của AEON Việt Nam được cải thiện đáng kể. Trong năm 2017, AEON đạt doanh thu 5.136 tỷ đồng, tăng 32%, lợi nhuận trước thuế đạt 234 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm trước đó.
Fivimart xuống dốc
Trong khi AEON ngày càng thịnh với cách đầu tư “truyền thống” – tự phát triển hệ thống của riêng mình, thì hình thức đầu tư theo hình thức hợp tác lại xuống dốc. Cả Citimart và Fivimart đều mang đến cho AEON những khoản thua lỗ lớn.
Video: Thêm xoài bị găm kim, các siêu thị tại Australia ngưng bán kim khâu
Trong năm 2017, Fivimart lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng. Với việc sở hữu 30% cổ phần tại Fivimart, số lỗ mà AEON phải “gánh” là 59,1 tỷ đồng. Đây là kết quả của quá trình xuống dốc của Fivimart.
Trước sự trỗi dậy của Vinmart và Vinmart+, hệ thống của Fivimart đang có xu hướng thu hẹp. Ngoài hình thức phân phối thông thường, Fivimart phát triển thêm mảng voucher. Theo đó, Fivimart kết hợp với nhiều doanh nghiệp để cung cấp quà tặng dưới hình thức voucher.
Bình luận