Ngành viễn thông và áp lực tìm không gian tăng trưởng mới
Theo số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông, trong năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đạt 138.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,6% và 3,8% so với năm 2021.
Tuy vậy, ngành viễn thông Việt Nam đang chứng kiến sự sụt giảm của mảng kinh doanh truyền thống là dịch vụ thoại và tin nhắn SMS. Từng chiếm tới 90% doanh thu dịch vụ viễn thông của các nhà mạng, thế nhưng tỷ trọng đóng góp của 2 loại hình dịch vụ này hiện chỉ còn chiếm khoảng 30% và ngày càng giảm dần theo từng năm.
Theo báo cáo The Internet Value Chain do GSMA phát hành năm 2022, quy mô của chuỗi giá trị trên Internet đang tăng trưởng rất nhanh, từ 3,3 nghìn tỷ USD năm 2015 lên gấp đôi, thành 6,7 nghìn tỷ USD năm 2020.
Mặc dù chuỗi giá trị Internet đang phát triển mạnh, thế nhưng lợi nhuận của thị trường này lại chủ yếu chảy vào tay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến. Các doanh nghiệp viễn thông vốn đóng vai trò xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng kết nối làm nền tảng cho các dịch vụ này lại không được hưởng lợi nhiều.
Thay vào đó, phần lớn lợi nhuận trong chuỗi giá trị Internet đang chảy vào túi các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, công ty quảng cáo và các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối.
Xu hướng hội tụ giữa viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin và tự động hóa thời gian qua đã đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông. Trước tình hình này, các doanh nghiệp viễn thông đang phải tái cơ cấu và chuyển dần mảng hoạt động của mình sang môi trường số nhằm tạo ra một hệ sinh thái giá trị mới.
Nhà mạng viễn thông trở thành doanh nghiệp công nghệ số
Các doanh nghiệp viễn thông đang có xu hướng thay đổi chiến lược phát triển, chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần thành nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng số. Nhà mạng viễn thông vì thế giờ đây sẽ trở thành doanh nghiệp công nghệ số.
Tại Việt Nam, có thể nhận thấy rõ sự thay đổi này khi khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều nhà mạng trong nước đã và đang tích cực tìm kiếm không gian tăng trưởng mới giữa bối cảnh các dịch vụ viễn thông truyền thống dần trở nên bão hòa.
Trong số này, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang cho thấy rõ sự nhanh nhạy của mình trong việc bắt kịp với các xu thế mới. MobiFone cũng chính là nhà mạng di động đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam, vậy nên sự đổi mới dường như đã ăn vào máu của doanh nghiệp này.
Dựa trên 5 trụ cột chính là Khách hàng – Sản phẩm – Công nghệ – Vận hành – Năng lực, MobiFone đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể cho tới năm 2025 để “giữ vững viễn thông – Tấn công không gian mới”, phát triển kinh doanh Hạ tầng số – Nền tảng/Giải pháp số – Nội dung số, xây dựng hệ sinh thái số MobiFone ngày càng hoàn chỉnh và mạnh mẽ.
Ở mảng hạ tầng số, MobiFone đã triển khai dịch vụ 5G thương mại cho khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như TP. HCM, Huế, Nha Trang, Phú Quốc với tốc độ cao trên 1.7Gbps. Năm 2022, mảng kinh doanh data của MobiFone cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, lên tới 27%.
Năm ngoái, MobiFone đã ra mắt hệ sinh thái tài chính số với dịch vụ ví điện tử MobiFone Pay và tiền di động (Mobile Money), cung cấp cho người dùng đầy đủ các dịch vụ tài chính cơ bản. Tính đến nay, MobiFone đã phát triển được 600.000 khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ tài chính số với doanh thu bán hàng trên 550 tỷ đồng.
MobiFone đẩy mạnh định hướng “Make in MobiFone” và sản xuất công nghiệp, mang lại doanh thu tăng trưởng trên 60%. Sản phẩm phòng họp trực tuyến thế hệ mới MobiFone Meeting do các kỹ sư Việt Nam tự phát triển cũng được đánh giá cao, khi có thể duy trì kết nối cùng lúc tới 1.000 điểm cầu với chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét.
Đặc biệt, MobiFone là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Doanh nghiệp này cũng đang tích cực đẩy mạnh việc chuyển đổi số nội bộ và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho xã hội.
Theo Báo cáo đánh giá xu hướng phát triển thị trường Việt Nam (Vietnam Market Assessment) do Ernst & Young (EY) thực hiện, doanh thu các dịch vụ số tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh. Trong đó, dịch vụ phục vụ xã hội số sẽ có quy mô 58,65 tỷ USD năm 2025 (tăng bình quân 16,9%/năm).
Báo cáo của EY cũng đưa ra dự báo, doanh thu từ dịch vụ số phục vụ cho doanh nghiệp của các nhà mạng viễn thông được dự báo sẽ có quy mô đạt 2 tỷ USD vào năm 2025. Với nhóm dịch vụ số cho khách hàng cá nhân, đến năm 2025, doanh thu từ mảng thị trường này có thể đem về cho các nhà mạng 6,5 tỷ USD.
Các dịch vụ số chính là tiền đề quan trọng tạo ra không gian tăng trưởng mới cho các nhà mạng. Trong xu hướng mới này, doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái số toàn diện như MobiFone sẽ có tương lai vô cùng hứa hẹn.
Bình luận