Cuối năm 2015, nhiều dự báo cho rằng giá dầu thế giới có thể giảm tới 32 USD/thùng. Nhưng hiện nay, khi tháng 1 mới đi nửa chặng đường, giá dầu thế giới đã mất mốc 30 USD/thùng. Thậm chí, có chuyên gia còn tin rằng giá dầu có thể giảm xuống 10 USD/thùng. Thế nhưng giá xăng bán lẻ trong nước vẫn có thể dao động ở khoảng 16.600 đồng/lít.
Trong khi đó, vào năm 2004, khi giá dầu thế giới ở mức 40 USD/thùng thì giá xăng RON A92 lại chỉ khoảng 5.600 đồng/lít.
Vào thời điểm năm 2005, khi giá dầu thành phẩm thế giới đạt khoảng 61 USD/thùng, giá xăng trong nước mới chỉ ở mức 8.800 đồng/lít. Như vậy, 10 năm sau, khi giá dầu thành phẩm nhập khẩu cũng chỉ ở mức 61 USD/thùng thì giá xăng trong nước đã tăng lên gấp đôi.
Bảng so sánh giữa giá xăng năm 2004 và giá xăng dự báo 2016 |
Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới giảm không tương xứng với mức giảm của xăng dầu trong nước đã được lý giải khá nhiều lần. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng từng cho biết giá dầu thô và giá xăng dầu bán lẻ là hai khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau về tỷ lệ giá.
Khi được đặt câu hỏi vì sao giá dầu thế giới giảm mạnh trong khi, giá xăng bán lẻ trong nước và giá dầu bán lẻ chỉ giảm nhẹ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời rằng, giá xăng, dầu bán lẻ bên cạnh giá dầu thô còn phụ thuộc vào các loại giá khác trong quá trình chế biến, lưu thông, dự trữ và cả các loại thuế liên quan tới xăng, dầu.
"Theo tính toán của chúng tôi, chi phí dầu thô chỉ chiếm 40% trong giá bán lẻ xăng, 50% trong giá bán lẻ dầu. Như vậy, không thể so sánh việc giảm giá dầu thô khoảng 40% thì giá bán lẻ xăng dầu cũng giảm tương ứng 40%", Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng, những chi phí sản xuất, lưu thông là những chi phí tương đối cố định và thậm chí trong điều kiện hiện nay còn tăng lên.
"Chúng tôi đánh giá việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với diễn biến giá dầu thô trên thế giới. So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia thì giá xăng, dầu bán lẻ ở Việt Nam là khá thấp", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Dù giá xăng dầu trong nước cũng đã được điều chỉnh theo diễn biến của giá dầu thế giới, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, giá xăng ở Việt Nam vẫn đang ở mức khá cao do còn đang phải gánh tới hàng chục loại thuế và phí.
Theo đó, mỗi lít xăng hiện nay đang "cõng" 7 khoản thuế phí các loại: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, mức trích Quỹ bình ổn giá.
Theo đó, thuế nhập khẩu chiếm 20% (khi chưa thực thi cam kết hiệp định thương mại ASEAN là ở mức 35%), thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 10%, 2 khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức là 1.350 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít... tổng cộng chiếm từ 47 - 52% tổng giá thành của một lít xăng.
Các yếu tố khiến cho giá xăng dầu trong nước cao hơn so với giá giai đoạn 2008-2010 không phải chỉ do thuế phí, bởi vì thuế phí thời điểm hiện nay so với thuế phí thời điểm năm 2008-2010 là xấp xỉ nhau.
Yếu tố cơ bản tác động đến giá xăng dầu trong nước chính là tỷ giá tính trên giá nhập khẩu để quy ra đồng Việt Nam rồi tính giá cơ sở.
Năm 2008-2010, tỷ giá dao động trong khoảng 16.000-19.000 đồng/USD. Nếu như ta so tỷ giá hiện nay khoảng hơn 22.000 đồng/USD so với tỷ giá năm 2008 đã tăng 37%, so với 2009 tăng 25% và so với 2010 đã tăng 18,5%.
Trong khi đó chi phí kinh doanh cũng đã tăng 50-70% so với 5 năm trước, tuỳ loại mặt hàng xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Năm 2015, giá xăng dầu, đặc biệt là xăng giảm ít hơn giá thế giới là quá rõ. Dầu thô thế giới năm nay giảm tới gần 40% kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh song giá xăng trong nước hiện chỉ thấp hơn đầu năm gần 1.200 đồng/lít, tức chỉ giảm khoảng 6-7%; giá dầu diesel thấp hơn khoảng gần 5.000 đồng/lít… Đây là điều hết sức vô lý”.
Trong khi đó, nhìn vào giá xăng dầu hiện nay, ông Long cho biết, thuế, phí đã tăng lên chiếm tới gần 50% cơ cấu giá. “Chúng ta đang thu thuế từ xăng dầu quá lớn bắt đầu từ năm nay nên không còn nhiều dư địa cho việc giảm giá”,
chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá.
Tính tới lần điều chỉnh giá cuối cùng của năm 2015 (ngày 18/12), giá xăng bán lẻ trong nước đã giảm về mốc 16.400 đồng/lít và là lần điều chỉnh giá thứ 18 trong năm.
Năm 2015, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tổng cộng 18 lần, trong đó có 12 lần giảm giá và 6 lần tăng, song mức giảm tổng cộng chỉ khoảng 1.170 đồng/lít so với mức giá của đầu năm.
Huyền Trân
Bình luận