(VTC News) - Nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận nhưng mới chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực này.
Sáng ngày 3/8, Diễn đàn đối thoại chính sách "Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua đối tác công tư" được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác phát triển.
PGS.TS Nguyễn Tấn Hinh, Phó Chủ tịch - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã có những bước tiến mới, tạo đột phá giúp tăng tính cạnh tranh, chuyển nền nông nghiệp theo hướng số lượng là chủ yếu sang chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.
Thời gian qua cho thấy, mô hình “Đối tác Công tư” đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư tư nhân theo hướng tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao trình độ áp dụng công nghệ trong ngành đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao.
Chính phủ rất tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng cách giúp tích tục ruộng đất cho doanh nghiệp và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khó khăn lớn nhất là đất đai và vốn.
Ông Nguyễn Đức Vang, đại diện ngành Chăn nuôi cho biết muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp cần lượng vốn rất lớn. Nhưng hiện nay, nguồn tín dụng cho nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng rất hạn chế. Không dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp khẳng định trong mối liên kết 3 nhà Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp, Nhà nước và nhà nông đã sẵn sàng cho nông nghiệp công cao nhưng doanh nghiệp lại chưa mặn mà vì những khó khăn kể trên. Hiện nay, có một số doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng chủ yếu là thủy sản.
Để thúc đẩy, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2020. Trong đó, trọng tâm là các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đề án đặt ra mục tiêu trước mắt đến năm 2015, là mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ ba đến năm doanh nghiệp, và từ hai đến ba vùng sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 10 đến 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Bảo Linh
Bình luận