Tuy nhiên, cơ sở mới vừa khai trương thì dịch COVID-19 bùng phát, Tuấn gặp rất nhiều khó khăn phải lao đao trả nợ
Thanh Tuấn quê ở Ý Yên, Nam Định. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng nghề, Tuấn không theo ngành được đào tạo mà lên Hà Nội học một khóa tạo mẫu tóc rồi về xin làm trong salon tóc của người quen vừa để nâng cao tay nghề, vừa kiếm thêm thu nhập. Khi đã vững tay, Tuấn vay bố mẹ và anh chị em trong nhà 400 triệu đồng mở salon tóc riêng của mình.
Mặt bằng anh chọn thuê tuy nằm trên tuyến phố nhỏ nhưng vị trí đẹp, gần chợ, gần trường học. Ban đầu, Tuấn thuê thêm hai thợ phụ, sau khoảng một năm, lượng khách đều và đông lên, anh thuê thêm 3 thợ nữa. Tính ra trong năm đầu tiên, trừ tiền thuê nhà, điện nước và lương nhân viên thì một tháng Tuấn thu về từ 15 đến 18 triệu đồng.
Từ năm thứ hai, anh kết hợp vừa làm tóc vừa nhận đào tạo dạy nghề, doanh thu mỗi tháng cũng tăng lên khoảng 25-35 triệu đồng. Riêng hai tháng cuối năm, doanh thu luôn tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng khác.
Tuấn chia sẻ, sau 3 năm mở salon tóc, anh đã trả hết nợ và để ra được một số vốn đáng kể. Nhận thấy nhu cầu làm đẹp của người dân rất cao nên Tuấn quyết định mở thêm salon tóc thứ hai.
“Tìm được địa điểm đẹp cách salon cũ của mình hai tuyến phố, mình ký luôn hợp đồng thuê mặt bằng hai năm với giá 10 triệu đồng/tháng. Khoản tiền dành ra của mình trong 3 năm mở salon trước đó đập vào thuê mặt bằng là vừa. Còn lại, mình vay ngân hàng 400 triệu để mua máy móc, trang thiết bị cũng như sửa chữa lại nội thất cho salon mới”, Tuấn kể.
Để điều hành một lúc hai salon, Tuấn cử một thợ chính của mình sang đó thay anh quản lý công việc cùng 4 thợ phụ. Hàng ngày, Tuấn chạy đi chạy lại cả hai cơ sở. Ngoài ra, anh cũng chi 10 triệu đồng/tháng để chạy quảng cáo facebook. Tuy nhiên, salon thứ hai vừa khai trương, đi vào hoạt động được 4 tháng thì đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát. Công việc làm ăn của cả hai salon đều bị ảnh hưởng.
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách đến salon tóc thưa đi rất nhiều. Không chỉ khách làm đầu mà khách gội đầu cũng ít. Trước đó, mình có rất nhiều khách quen, một tuần tới gội đầu 3 lần, tháng hấp tóc một lần. Khi có dịch, họ không tới salon chăm sóc tóc nữa. Doanh thu của mỗi salon giảm sâu, có những tháng chỉ vừa đủ trả tiền nhà, tiền nhân công”.
Cơ sở salon đầu của Tuấn lượng khách ra vào đều đặn hơn, nhưng cơ sở hai rất vắng khách. Không chỉ vậy, vì không có mặt quản lý trực tiếp ở salon nên cứ vài ngày lại phát sinh vấn đề. Nếu anh không xuất hiện giải quyết kịp thời sẽ dẫn tới mất khách. Thế nên, để điều hành cùng lúc cả hai cơ sở làm đầu, Tuấn luôn phải nỗ lực hết sức.
Do doanh thu quá thấp, cố duy trì trong vòng 8 tháng, Tuấn quyết định cắt giảm 4 thợ phụ bên salon mới, đẩy 2 thợ bên salon cũ sang để giảm bớt chi phí nhân lực. Trong thời gian giãn cách xã hội, cả hai salon tóc ngừng hoạt động, Tuấn luôn động viên nhân viên cố gắng cùng chia sẻ khó khăn với mình. Hàng tháng, Tuẫn vẫn trả lương cứng cho thợ, chỉ không có lương kinh doanh.
“Ở cơ sở hai của mình, doanh thu chỉ đủ để trả lương nhân viên. Trong khi mỗi tháng, mình vẫn phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi là 14 triệu đồng. Hiện mình phải xoay xở vất vả để lo trả khoản nợ này”, Tuấn cho hay.
Làm ăn không sinh lời, đã hai lần Tuấn lên tiếng muốn sang nhượng lại salon nhưng không ai mua lại. Không ít lần, anh nghĩ tới việc giải tán salon. Nhưng nghĩ tới tiền thuê mặt bằng 2 năm đã trả, tiền đầu tư máy móc thiết bị cũng nhiều, nếu bán thanh lý giá rẻ như cho thì quá uổng phí. Do đó, Tuấn vẫn cố duy trì cho salon hoạt động túc tắc, bản thân cũng dốc sức đẩy mạnh công việc kinh doanh của cả hai cơ sở salon sau khi hết dịch với hy vọng bù đắp lại những tháng ngày làm ăn thất bát này.
Bình luận