Được biết, đây là kết quả thực tiễn của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất, sử dụng chế phẩm probiotic phục vụ chăn nuôi lợn, gà tại Hải Phòng” do thạc sỹ Ngô Thị Hải Linh và các cộng sự của mình đến từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố Hải Phòng thực hiện.
Đây cũng là dự án tiếp nhận quy trình chuyển giao từ Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), để xây dựng mô hình ứng dụng trong điều kiện thực tiễn tại đây.
Probiotic trong thức ăn chăn nuôi được biết đến với tên gọi, cách giải nghĩa gần gũi hơn đó là các chế phẩm ứng dụng công nghệ sinh học có chứa vi sinh vật, gồm nhiều chủng vi khuẩn có lợi, hoặc nấm men có lợi. Chế phẩm sinh học probiotic trong thức ăn chăn nuôi là giải pháp cho vật nuôi mau lớn, khỏe mạnh nhờ khả năng cân bằng hệ tiêu hóa, kích thích tiêu hóa, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường ruột vật nuôi từ đó giảm rủi ro và tỉ lệ vật nuôi bị bệnh.
Mô hình sử dụng chế phẩm probiotic trong chăn nuôi lợn, gà được nhóm tác giả thực hiện trên quy mô 60 con lợn cai sữa, 62 con lợn thịt và 2.000 gà Ri lai tại 2 hộ dân tại xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng).
Video: Công nghệ sinh học đang ngày càng giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng
Kết quả nghiên cứu và so sánh với mô hình đối chứng (không sử dụng chế phẩm) cho thấy: Trên đàn lợn cai sữa, tỉ lệ nhiễm Salmonella và vi khuẩn E.coli thấp hơn hẳn so với đàn lợn không sử dụng chế phẩm probiotic, khả năng thu nhận thức ăn cao hơn hẳn lợn đối chứng, khối lượng cơ thể tăng trung bình 2,02 kg/con sau 4 tuần nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao (cao hơn gần 100.000 đồng/con so với đàn lợn không sử dụng chế phẩm).
Tương tự, đối với đàn lợn thịt, đến thời điểm xuất bán, đàn lợn thịt sử dụng chế phẩm vi sinh cho lãi bình quân 646.000 đồng/con, trong khi đàn lợn thịt đối chứng thu lãi 207.000 đồng/con. Gà Ri lai với mức lãi bình quân 13.150 đồng/kg, cao hơn 5.535 đồng/kg so với gà chăn nuôi thương phẩm thông thường.
Ước tính, việc ứng dụng công nghệ sản xuất chế phẩm probiotic có thể thu được lợi nhuận từ việc bán sản phẩm với giá dự kiến 100.000 đồng/kg.
Với những hiệu quả về kinh tế - xã hội và tính ứng dụng của mình, dự án đã được hội đồng Khoa học & Công nghệ thành phố Hải Phòng đánh giá cao, có thể tiến hành áp dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Bình luận