Bị hôn mê khi mang thai
Khi nhắc tới điều kì diệu mà ngành y đã làm được năm 2013 chắc hẳn không thể nào quên câu chuyện về một phụ nữ tên Hà Thị Ngân, 27 tuổi, ở phố Thiên Lôi, quận Lê Chân (Hải Phòng) bị bệnh viêm não, hôn mê trong khi đang mang thai 5 tháng.
Người nhà chị Ngân kể lại, trước khi lấy chồng và có bầu, sức khỏe của chị Ngân hoàn toàn bình thường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm nên chị Ngân chỉ ở nhà giúp chồng có đồng ra đồng vào, trông coi quán sửa chữa máy tính ở phố Thiên Lôi, Lê Chân, Hải Phòng.
Khi chị Ngân mang thai đến tháng thứ 6, chị đột nhiên thấy cơ thể suy nhược, chân tay tê buốt, cảm giác khó đi lại. Rồi nặng hơn, chị bắt đầu xuất hiện những cơn co giật khắp cơ thể. Lúc ấy, vợ chồng chị rất lo sợ, nhưng khi nghe một số người động viên có thể do thai quá lớn chèn dây thần kinh gây ra hiện tượng trên, người chồng chỉ đưa chị Ngân đi châm cứu rồi về nhà điều trị.
Vài ngày sau, chị Ngân bỗng dưng bị lên cơn co giật, sùi bọt mép, hôn mê và ngất. Gia đình đưa chị Ngân đến bệnh viện cấp cứu các bác sĩ thông báo trường hợp của chị Ngân là bị viêm não, cần phải chuyển lên tuyến trên gấp. Ngay sau đó, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã chuyển chị lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị tích cực.
Để cứu sống cháu bé các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đã phải hội chẩn toàn bệnh viện cùng đưa ra được phương pháp tối ưu nhất cho trường hợp sản phụ đặc biệt này. Ca mổ được thực hiện vào đêm ngày 11/6/2013. Khi đó, sản phụ Ngân mang thai ở tháng thứ 8 và đã qua 3 tháng bị hôn mê, co giật do bị viêm não.
Đối với ngành y nước ta nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng thì đây thực sự là một trường hợp bệnh nhân có một không hai. Cháu bé sinh ra nặng 2kg, tên cháu bé là Vũ Đăng.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa hết niềm tự hào khi kể lại câu chuyện về bệnh nhân hi hữu này: “Lúc mới chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, sản phụ Ngân đang trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh và có các cơn co giật. Bệnh viện lập tức yêu cầu hội chẩn toàn viện ngay trong đêm.
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng đang chăm sóc bệnh nhân tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai |
Xác định đây là một ca bệnh khó vì trước đó chưa từng có tiền lệ, nên tất cả mọi phác đồ điều trị đều phải được bàn bạc và thống nhất của toàn bộ lãnh đạo bệnh viện.
Sau khi thống nhất các bác sỹ đã đưa ra ý kiến, phải mổ lấy em bé ra, vì để càng lâu, việc chữa trị cho em bé càng khó. Điều chắc chắn là em bé chịu sự tác động của các loại thuốc điều trị co giật, động kinh mà bác sĩ sử dụng để kéo dài sự sống của sản phụ nhằm giúp thai nhi lớn hơn”.
Đúng như tiên lượng, ngay sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, em bé đã không tự thở được, suy hô hấp. Đã có sự chuẩn bị từ trước nên thai nhi vừa ra khỏi bụng mẹ đã được tiến hành hồi sức, bóp bóng ôxy, bóp tim và đặt ống nội khí quản để cung cấp khí thở ngay lập tức, qua đó giúp bảo vệ não, tránh di chứng có thể xảy ra.
Sau đó, bé được chuyển xuống khoa Nhi nằm lồng ấp, thở máy. Thêm vào đó, bé còn có đường huyết âm tính, đường huyết thấp đến mức máy đo không đo được.
Bác sĩ Dũng phân tích: “Đường huyết bé Đăng thấp là điều vô cùng nguy hiểm, vì khi đó bé có nguy cơ bị bại não. Sau khi được thở máy, cơ thể bé đã hồng hào trở lại, nhưng bé lại lâm vào tình trạng thừa ôxy một cách đáng lo ngại. Phân áp oxy trong máu của bé tăng lên tới 244,7mmHg trong khi của những bé bình thường là dưới 100mmHg.
Việc thừa ôxy sẽ làm cho máu được truyền tới não nhiều hơn. Do vậy bé rất dễ có nguy cơ bị xuất huyết não. Các bác sĩ đã phải điều chỉnh máy thở ở mức thấp nhất và làm khí máu hàng ngày liên tục để bảo vệ não bé Đăng.”
Trong hơn một tuần, các bác sĩ phải thay nhau chỉnh máy thở để giữ được nồng độ ôxy ở mức chấp nhận được. Sau 9 ngày, dưới sự điều trị tận tâm của các bác sĩ, bé Đăng đã phục hồi tốt và đã rút khỏi máy thở ôxy.
Qua nhiều lần siêu âm não để kiểm tra, bé Đăng đã hoàn toàn bình thường, bộ não của bé không bị ảnh hưởng. Đến đầu tháng 7 bé được xuất viện về nhà.
Theo bác sĩ Dũng, nếu như việc cấp cứu cháu bé không kịp thời, não bé sẽ bị di chứng nặng. Đến nay cháu bé vẫn sống khỏe mạnh bên người thân của mình. Sản phụ Ngân được gia đình đưa về quê nhà chăm sóc.
PGS - TS Dũng cho hay, đây là trường hợp mang thai hiếm gặp, chưa từng gặp trong nước cũng như chưa từng được ghi nhận trong y văn thế giới. Thông thường người bệnh chỉ hôn mê 5 - 7 ngày, nhưng hôn mê trong vòng ba tháng lại đang mang thai là trường hợp vô cùng đặc biệt. Đối với PGS Dũng và các y bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đây thực sự là niềm tự hào của họ.
Bình luận