• Zalo

Miếng nhựa vô giá và sự thông minh kiểu... Nhật Bản

Thể thao Thứ Tư, 08/08/2012 11:01:00 +07:00Google News

"Miếng nhựa ấy, có lẽ lại là một thông điệp mà người Nhật muốn gửi gắm: Hãy để bóng đá ngấm vào lớp trẻ từ lúc bé xíu"

Đại diện của giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản tới ký kết hợp tác nhiều mặt với VPF, trong buổi lễ phía Nhật có nhã ý tặng mỗi vị khách một món quà nhỏ. Những tưởng là một vật dụng liên quan đến bóng đá hoặc vật kỷ niệm J.League.

Nhưng không phải. Đó chỉ là một tấm nhựa mềm kích thước 69x90cm trên đó có in hình mặt sân màu xanh, có con rối hoạt hình đá bóng cùng khán đài đông chặt NHM được vẽ ngộ nghĩnh. Chính xác thì đó là miếng nhựa mềm do đối tác của J.League sản xuất cho các em bé khoảng 3-4 tuổi ngồi ăn và đồ ăn không bị rớt xuống nền nhà.

Miếng nhựa ấy, có lẽ lại là một thông điệp mà người Nhật muốn gửi gắm: Hãy để bóng đá ngấm vào lớp trẻ từ lúc bé xíu để ngay từ đó, mỗi đứa trẻ cảm nhận thấy bóng đá gắn liền với cái đẹp, cái hấp dẫn. Điều dẫn đến là đứa trẻ ấy tìm tới bóng đá như là một môn thể thao yêu thích hoặc đơn giản chỉ là một CĐV có văn hóa cổ vũ bóng đá.

Không phải bây giờ bóng đá Việt mới tìm cách đi học nhưng câu hỏi "học từ đâu?" lại chính là trở ngại để bắt đầu.

V.League cần phải học J.League từ những điều nhỏ nhất! (Ảnh: Quang Minh)

Hoàn thiện một giải bóng đá như V.League và tăng cường yếu tố chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành, thi đấu nhưng cũng đừng quên xây dựng hình ảnh bóng đá trong mắt chính những đứa trẻ.

Bóng đá muốn sống, phải có khán giả, nói như cựu GĐKT VFF, ông Rainer cách đây chục năm nói: "Giá trị cầu thủ và mỗi giải bóng đá phụ thuộc vào khe cửa bán vé ở SVĐ". Những nỗ lực tạo ra một giải đấu hấp dẫn với mục đích tăng lượng khán giả chỉ là một phần. Muốn đảm bảo vững chắc lượng khán giả ấy, bóng đá Việt Nam phải xây dựng một thứ bóng đá có văn hóa.

Làm thế nào thuyết phục mỗi ông bố bà mẹ mang đến cho con cái mình tình yêu bóng đá Việt khi sân bóng là một nơi mà ở dưới cầu thủ đá bậy, chửi tục với đầy đủ các trò ma giáo. Trong khi đó ở trên khán đài, người xem vô tư chửi cầu thủ, trọng tài.

Bóng đá Việt chỗ nào cũng thấy những cảnh như vậy.

Sân bóng đá không (hoặc chưa thể) là một địa chỉ văn hóa mà người ta có thể đưa cả gia đình tới đó, thưởng thức mỗi cuối tuần.

"Chúng tôi bắt đầu từ những công dân nhỏ tuổi chứ không hẳn là những công dân - cầu thủ hưởng lương rất cao trong xã hội"- một quan chức bóng đá Nhật đã nói như vậy. Có vẻ là đơn giản.

Lại nói về tấm nhựa mà phía Nhật Bản mang sang Việt Nam, nó vô giá vì không ghi… giá. Nó cũng là đồ tặng mà mỗi em bé Nhật cùng bố mẹ tới sân bóng đều có được. Đây là một cách giải quyết rất thông minh kiểu… Nhật Bản.

Bây giờ nói Việt Nam cần có văn hóa sân cỏ, văn hóa cổ vũ đúng là không dễ. Như cách người ta hay nói vui với nhau: "Xã hội nào thì bóng đá ấy". Cái gốc vẫn là văn hóa và mặt bằng kinh tế xã hội được nâng lên, bóng đá tự khắc sẽ phải chuyển mình để tồn tại và phát triển.

Và với người làm quản lý bóng đá Việt, giờ thì họ biết cần phải bắt đầu từ đâu trong quá trình học hỏi của mình.


Song An(Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn