Theo báo cáo của Văn phòng PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên, lượng mưa lớn lên đến trên 300mm kéo dài từ ngày 14/11 đến trưa 16/11 khiến nhiều tỉnh miền Trung chìm trong lũ dữ.
Tính đến sáng 16/11, mực nước đo được trên các sông tại miền Trung đều trên mức báo động 3 từ 0,1-1,5m. Một số điểm vượt đỉnh lũ lịch sử. Cụ thể: sông Hương tại Kim Long: 2,91m, dưới BĐ3: 0,59m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9,94m, trên BĐ3: 0,94m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 4,08m, trên BĐ3: 0,08m; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 8,03m, trên BĐ3: 1,53m; sông Vệ tại trạm Sông Vệ (Quảng Ngãi): 5,74m, trên BĐ3: 1,24m; sông Kôn tại Thạch Hòa: 9,66m, trên BĐ3: 1,66m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1987: 0,22m; sông Ba tại AyunPa:156,14m, trên mức BĐ3: 0,14m. sông Cái Ninh Hòa tại Ninh Hòa: 5,54m, trên BĐ3: 0,04m.
Mưa lớn kèm thủy điện xả lũ khiến hàng vạn người dân các tỉnh miền Trung chìm trong lũ dữ |
Tại Bình Định, nước lũ lên nhanh đã chia cắt và cô lập nhiều huyện trên địa bàn. Đặc biệt các tuyến đường trung tâm thành phố Quy Nhơn ở phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nhơn Phú, Nhơn Bình, Phước Mỹ bị ngập từ 1-2 m.
Các huyện vùng ven bị ngập lụt và chia cắt nghiêm trọng. Cụ thể, huyện Vân Canh có 35 hộ/140 người bị ngập tại xã Canh Hiển, xã Canh Vinh. Tuyến đường ĐT 638 bị chia cắt tại xã Canh Vinh; Huyện Hoài Ân có 9 cầu bị ngập (Mục Kiến, Bằng Lăng, Vườn Thơm, Hương Quang, Hiệp Định, Nhơn An, An Thường, Mỹ Thành, Cầu Vạn Trung), tuyến đường ĐT 629, ĐT 630 bị nước lũ chia cắt; trụ sở UBND xã Ân Nghĩa ngập 0,5m; 1.500 hộ bị ngập nước tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Nghĩa, Ân Hữu; huyện Tây Sơn: các xã Tây Phú, Tây Xuân, Tây Thuận, Tây Vinh, Tây Giang bị nước lũ chia cắt, cô lập; Huyện Tuy Phước: 100 hộ dân bị ngập nước; Huyện Vĩnh Thạnh: tuyến đường ĐT 637 bị chia cách do bị ngập nước; Huyện An Nhơn: 20 hộ dân xã Nhơn Thọ bị ngập.
Nước lũ chia cắt tuyến quốc lộ 1A qua các tỉnh miền Trung |
Tại Quảng Ngãi: Để ứng phó với mưa lũ, đêm 15/11, Ban chỉ huy quân sự thành phố đã điều động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ cùng phương tiện có mặt đến bờ kè dọc sông Trà Khúc để ứng phó với nước lũ và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Từ đêm 15/11, các đơn vị của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã di dời gần 12.000 người dân ở khu vực bị ngập nặng đến nơi cao ráo, an toàn.
Mưa lớn kéo dài khiến toàn tỉnh bị ngập trên diện rộng, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn, nhiều xã bị chia cắt do tuyến giao thông và cầu bị ngập. Cụ thể: huyện Ba Tơ có 3 khu vực dân cư bị cô lập hoàn toàn; huyện Nghĩa Hành: 9/12 xã bị ngập; huyện Sơn Hà có 7 xã bị chia cắt do tuyến đường giao thông và cầu bị ngập; huyện Đức Phổ có 4 thôn/3 xã bị ngập. Đặc biệt, huyện Tư Nghĩa có 14 xã ven sông Vệ, sông Trà Khúc bị ngập nghiêm trọng.
Tại Quảng Nam, đêm 15/11, hàng ngàn hộ dân ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn và TP Hội An tỉnhQuảng Nam đã phải trắng đêm chạy lũ. Tại huyện Đại Lộc, có 34/36 thôn, xã ven sông bị ngập sâu trong nước lũ. Mưa lớn cộng với các thuỷ điện Sông Bung, Sông Tranh 2, Đắk Mi 4… trên địa bàn xả lũ khiến nước trên các sông Thu Bồn, Vu Gia dâng cao đột ngột. Nước lũ dâng cao, hàng ngàn hộ dân ở xã trên địa bàn huyện Đại Lộc như xã Đại Hồng, Đại Hưng,… phải trắng đêm chạy lũ.
Các vùng hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn ngập trắng nước |
Mưa lớn khiến hàng ngàn hộ dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chìm sâu trong nước lũ |
Các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng biến thành sông |
Bửu Lân
Bình luận