Miền Bắc trải qua 6 đợt mưa diện rộng từ đầu tháng 6 đến nay, tập trung ở vùng núi. Đầu tháng 7, một số nơi hầu như ngày nào cũng mưa, như Tuần Giáo và Pha Đin (Điện Biên); Phố Ràng (Lào Cai). Tại Yên Bái mưa kéo dài tới 12 ngày, trong khi năm 2016 đợt mưa dài nhất là 8 ngày (30/6-7/7).
Tổng lượng mưa từ 13/6 đến 19/7 ở miền Bắc phổ biến 300-700 mm, nhiều nơi trên 700 mm như Tam Đường (hơn 1.000 mm), Móng Cái (1.300 mm). Ở Hà Nội, trạm Hoài Đức ghi nhận hơn 700 mm. Chỉ tính 10 ngày đầu tháng 7 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ thì tổng lượng mưa ở trung du và vùng núi phổ biến cao hơn 50-150%; nhưng đồng bằng vẫn thiếu hụt khoảng 20-50%.
Nguyên nhân theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) là tác động của rãnh thấp (dải hội tụ nhiệt đới) ngang qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao. Năm nay dải hội tụ gần như liên tục duy trì trục đi qua Bắc Bộ. Nó cũng là "cái nôi" khiến bão Talas gây mưa giông toàn Bắc và Bắc Trung Bộ.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn dài và vừa thuộc NCHMF, mùa mưa ở miền Bắc bắt đầu vào tháng 5, kết thúc vào tháng 10, cao điểm vào các tháng 6-8. Về quy luật, đợt mưa phù hợp xu thế hàng năm, duy chỉ có miền núi là nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Mưa lớn kéo dài hơn một tháng gây lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình... làm nhiều người chết và mất tích. Nông nghiệp và giao thông đều bị ảnh hưởng.
Video: Sài Gòn ngập nặng sau mưa lớn, người dân vật vã be bờ, tát nước ra khỏi nhà
Mực nước tại nhiều hồ chứa thủy điện lớn của miền Bắc dâng cao hơn mức cho phép như Sơn La cao hơn 4,5 m, Hòa Bình hơn 4,8 m. Cả hai hồ đều phải mở cửa xả đáy vào ngày 18 và 19/7 để hạ mức nước về dưới mức cho phép, chuẩn bị vào thời gian lũ chính vụ (sau 20/7), đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du.
Mưa liên tục cùng với hoàn lưu bão Talas cũng gây nên các đợt lũ lớn trên toàn bộ hệ thống sông ngòi các tỉnh miền núi. Mực nước tại sông Thao tại Yên Bái ngày 18/8 đã lên mức báo động 3 - nguy hiểm nhất, gây ngập sâu một mét ở thành phố Yên Bái, hai người bị mất tích do lũ cuốn trôi; hàng trăm ha hoa màu và tuyến đường ngập úng, sạt lở.
Cơ quan khí tượng dự báo, từ nay đến hết 22/7 dải hội tụ nhiệt đới và đới gió đông nam ẩm tiếp tục hoạt động mạnh, nên Bắc Bộ vẫn mưa. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng ngập úng ở đồng bằng, trong đó có Hà Nội và nguy cơ cao về hiện tượng lũ quét trên các sông suối nhỏ, trượt lở đất đá.
Bình luận