Cách cắt bánh chưng lâu nay vẫn được cho là chuẩn mực chính là dùng lạt. Với cách này, chiếc bánh được chia thành 8 miếng một cách đều đặn, gọn gàng. Sở dĩ người ta dùng lạt thay dao là để tránh tình trạng nếp dính vào dao, khó rửa. Tuy nhiên, nếu biết mẹo cắt bánh chưng bằng dao không bị dính, bạn có thể tự tin sử dụng dụng cụ này để việc cắt bánh trở nên nhanh gọn hơn.
Mẹo cắt bánh chưng bằng dao không bị dính
Trong lần tới, bạn hãy thử cách cắt bánh chưng bằng dao dưới đây, bảo đảm miếng bánh vẫn đẹp mà không lo bị dính dao, bạn cũng đỡ tốn công tước và xếp dây lạt.
Bí quyết cắt bánh chưng bằng dao không bị dính trước hết là chuẩn bị một con dao có phần lưỡi dày, lớn, chiều dài dài hơn thân bánh. Bọc lưỡi dao bằng màng bọc thực phẩm, nên bọc từ hai vòng trở lên để tránh bị rách. Sau đó, bạn dùng con dao này cắt bánh chưng thành các phần vừa ăn.
Lớp màng bọc giúp dao không tiếp xúc với hạt nếp nên không bị dính, cắt xong bạn bỏ lớp màng đi, không phải cặm cụi cọ rửa dao. Lớp màng bọc áp sát lưỡi dao, lại có độ trơn nhẵn nên khi cắt vẫn gọn gàng, miếng bánh sắc nét, phần nhân không bị bung ra. Thời gian "xử lý" một chiếc bánh chưng sẽ rút ngắn so với cách làm truyền thống.
Mẹo cắt bánh chưng bằng dao không bị dính này đã được nhiều người áp dụng thành công. Tuy nhiên, cách này không phù hợp với những chiếc bánh mới luộc còn nóng và quá mềm dẻo. Chiếc bánh cần có độ cứng nhất định thì cắt sẽ đẹp hơn.
Mẹo cắt bánh chưng bằng dao không sợ bị dính (Nguồn video: Bichngocamthuc)
Cách bảo quản bánh chưng ngày Tết
Bảo quản bánh chưng ở điều kiện thường: Để bánh chứng ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, bạn có thể bảo quản tối đa 10 ngày. Tốt nhất nên treo bánh lên cao để tránh bị các loại côn trùng ăn.
Nếu là bánh gia đình tự nấu, sau khi vớt, bạn nên rửa với nước sạch để loại bỏ các chất nhựa bám trên lá, mang đi hong khô bề mặt lá và dùng tấm bìa gỗ đặt lên để ép nước ra ngoài. Nhờ đó, bánh sẽ không bị ẩm, ướt và giữ được độ dẻo.
Để bảo quản bánh chưng lâu hơn, bạn nên để trong tủ lạnh, thường xuyên kiểm tra xem bánh có bị nấm mốc không. Mỗi khi ăn, bạn nên đưa bánh vào lò vi sóng để làm nóng hoặc rán lên. Bánh chưng rán khá ngon nhưng cũng chỉ nên chiên một vài lần vì gạo nếp hấp thụ lượng dầu lớn, nếu dùng nhiều sẽ không tốt cho sức khoẻ.
Nếu quá nhiều bánh và muốn bảo quản lâu hơn, bạn có thể cất bánh chưng lên ngăn đông, khi dùng thì bỏ ra rã đông ở nhiều độ thường rồi hấp lại cho nóng. Bạn nên cắt bánh một lượng vừa đủ ăn, tránh rã đông nhiều lần khiến bánh mất độ ngon.
Dùng dây sạch hoặc dao sạch để cắt bánh, không dùng dụng cụ đã bị bám bẩn hoặc đã được dùng cắt thức ăn khác vì các phần thức ăn đó sẽ bám vào mặt cắt của bánh, dễ gây ẩm mốc, ôi thiu.
Kiểm tra bánh thường xuyên để kịp thời xử lý; nếu có dấu hiệu mốc thì đem đi hơ với lửa rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, tiếp tục bảo quản.
Nếu thấy phần nếp bị khô, cứng (còn gọi là bị lại gạo), bạn có thể mang bánh đi luộc lần nữa hoặc mang đi hấp.
Bình luận