• Zalo

Mê tông quyền- tuyệt đỉnh quyền pháp lãng tử kiểu Yến Thanh

Thể thaoThứ Hai, 07/04/2014 03:18:00 +07:00Google News

Mê Tông quyền (còn gọi là Yến Thanh quyền) mượn tên nhân vật Lãng tử Yến Thanh trong Thuỷ Hử truyện truyền lại.


Mê Tông quyền (còn gọi là Yến Thanh quyền) mượn tên nhân vật Lãng tử Yến Thanh trong Thuỷ Hử truyện truyền lại. Căn cứ vào tên gọi đã cho thấy đây là một quyền pháp có lối đánh hào hoa, phong lưu đúng chất lãng tử.


Đặc biệt Mê Tông quyền gắn chặt với tên tuổi của đại tôn sư Hoắc Nguyên Giáp- người sáng lập Tinh võ thể thao học hiệu huyền thoại tại Thượng Hải năm 1909.


Quyền pháp hào hoa

Thủa sơ khai mang tên Yến Thanh quyền, còn có những tên gọi khác là Nghê tông quyền, Mật tông quyền (Mật tông là một dòng tu kín trong đạo Phật), Mê lộ quyền (Con đường mê hoặc, huyền bí), Mê tông nghệ (Vết chân bí hiểm) mượn những giai thoại mê hoặc, hành tung bí ẩn của Lãng tử Yến Thanh trong Thuỷ Hử truyện để nêu danh quyền pháp.
Mê Tông Quyền- quyền pháp hào hoa

Trong dân gian đã có thuyết: “Đông có Yến Thanh (chỉ vùng Sơn Đông), Tây là Nghê tông (chỉ vùng Hà Nam)”. Nhà võ học nổi tiếng Hoắc Nguyên Giáp (1869-1910) người huyện Tĩnh Hải, tỉnh Hà Bắc tập luyện lại, bổ sung chiêu thức gọi là Mê tông quyền, còn Trương Diệu Đình ở Thương Châu, Hà Bắc truyền dạy môn này lại gọi theo cổ truyền là Yến Thanh quyền. Ngoài ra ở Thanh Châu, Sơn Đông lại gọi là Yến Thanh thần chuỳ, một dải Thiên Tân- Bắc Kinh lưu truyền môn này lại gọi là Yến Thanh thập bát phiên (18 lần lật người của Yến Thanh).

Đặc điểm của Mê tông quyền (Yến Thanh quyền) là nhẹ nhàng mau lẹ, thi triển phiêu dật (nhàn hạ thoải mái), trọng công phu, trọng khéo léo, cứng mềm đủ cả. Về thủ pháp chủ yếu sử dụng móc, ôm, ngắt, vuốt, bọc, vồ, gác, ép… đặc biệt đề cao kỹ pháp cầm nã. Về đòn chân chủ yếu là đá, điểm, móc, treo, quấn, quét, cắt, hất tung đối phương, liên hoàn cước…

Về thân pháp thì lấy giấu, né, vặn, lắc làm chính (gọi là tàng, thiểm, ninh, đẩu), còn bộ pháp lấy nhảy dọc, bắt lén (tung, khiêu, thân, tróc) làm chủ đạo. Mê tông quyền dựa trên ý niệm hào hoa của Lãng tử Yến Thanh nên rất chú trọng đòn chân, ngoài các phép cơ bản là dời, đè, đá, dựa còn có đá bao cát, đá cọc gỗ… khi luyện tập, sao cho cước pháp lanh lợi, biến hoá và hiểm độc nhưng không kém phần hoa mỹ.
Sàn đấu “đả lôi đài” tại Thượng Hải những năm đầu thế kỷ XX 

Trong các bài dùng khuỷu, Mê tông quyền còn có những chiêu sử dụng khuỷu tay tỳ đè, hoá giải quyền pháp đối phương và dùng khuỷu tay chẻ dọc từ đầu xuống, thúc chỏ từ dưới lên, tạt chỏ ngang vào các yếu huyệt của đối thủ. Đầu gối cũng là một vũ khí quan trọng để tấn công vùng thấp cũng như khắc chế cước pháp đối thủ, chú trọng mượn thế thuận sức, ra đòn lúc đối phương sơ hở.

Trong quyền phổ ghi: “Kiến cương nhi hồi thủ, hồi thủ nhập thâu thủ, thâu thủ nhi thái thủ, thái thủ nhập lâu thủ” (Thấy cứng rụt tay về, về tay vào tay lén, tay lén mà ngắt tay, ngắt tay vào ôm tay). Tóm lại, đây là loại quyền pháp rất thực dụng trong giao chiến, nhất là cận chiến, thân pháp luôn sát sạt đối phương, không cho đối phương có khoảng cách để ra đòn. Mặc dù vậy, quyền cước vẫn hào hoa theo phong cách lãng tử, đúng như tên gọi Yến Thanh quyền.

Về bài bản cổ truyền có Mật Tông mẫu quyền (mẹ Mật Tông), luyện đại-tiểu ngũ hổ quyền, Mật Tông trường quyền, Yến Thanh quyền, Yến Thanh giá, Yến Thanh thần chuỳ, Yến Thanh phiên tử, Yến Thanh chưởng, Tam bộ giá, Bát đả quyền, Tứ lộ bôn đả (chạy đánh bốn đường)…

Về khí giới thì có Yến Thanh đao, Yến Thanh quải (quải-một thứ khí giới bằng gỗ cứng, tròn, dài khoảng 80cm-1m, gần cuối lắp một tay cầm ngang vuông góc, như dùi cui của cảnh sát chống bạo động hiện nay), Minh đường đao, Thanh Long kiếm, Nhị Lang côn.

Về tán thủ (giao đấu) thì có các phép Yến Thanh tam đả, Yến Thanh thập đả, Yến Thanh thập tứ (14) thủ, Ngũ hoa miên quyền (quyền mềm như bông), Bán tỵ phong đoản đả (đánh gần, nép nửa người như tránh gió- ý nói nép theo bóng đối phương mà đánh, như cách nép người khác để tránh gió), Lý ngoại chiến (đánh trong ngoài), Nghênh diện đối (nghênh mặt đón đánh)…

Ngoài ra còn các tuyệt kỹ bí truyền khác về khinh công, ngạnh công, Bảo kiện công (công phu dưỡng sinh, duy trì sự cường tráng của cơ thể)…


Theo Danviet
Bình luận
vtcnews.vn